Thủ đoạn mới trong buôn lậu, gian lận thương mại
Khoảng thời gian cận Tết là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp hơn. Mặt hàng chủ yếu thường là: Bia, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm và hàng tiêu dùng…
Năm nay, dịch bệnh, khu vực biên giới luôn được kiểm soát chặt để phòng dịch. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu cũng đã thay đổi phương thức hoạt động, tinh vi và khó phát hiện hơn đó là tuồn hàng lậu qua đường chính ngạch.
Rất nhiều vụ buôn lậu bị phát hiện thời gian gần đây đều thông qua các "doanh nghiệp ma". Thông tin người đại diện công ty được làm từ CMND, hộ chiếu … trôi nổi, thất lạc của người khác và dùng địa chỉ giả làm trụ sở doanh nghiệp. Lợi dụng chính sách phân luồng xanh, các đối tượng đã đưa hàng lậu đi bằng con đường chính ngạch được mở tờ khai đàng hoàng.
Các vụ việc đấu tranh cho thấy, việc buôn lậu qua các hình thức chính ngạch chiếm tới 6%. Tỷ lệ không lớn, nhưng hàng hóa mà các đối tượng buôn lậu hầu hết lại có giá trị cao. Việc xử lý các đối tượng gặp không ít khó khăn bởi khi bị phát hiện, các chủ hàng từ chối nhận hàng với lý do đối tác gửi nhầm hoặc né tránh làm việc.
Rất nhiều vụ buôn lậu bị phát hiện thời gian gần đây đều thông qua các "doanh nghiệp ma".
Thiếu cơ chế phối hợp thông tin phòng chống buôn lậu
Thủ đoạn của buôn lậu ngày càng tinh vi, trong khi đó khả năng phòng ngừa và phát hiện buôn lậu chưa cao. Hiện nay các cơ quan có tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại là: Bộ đội biên phòng, Công an kinh tế, Cảnh sát biển, Hải quan và Quản lý thị trường. Khi phát hiện một vụ việc, các lực lượng sẽ phối hợp với nhau để xử lý. Tuy nhiên công tác phối hợp này hiện vẫn còn hạn chế.
Nhìn lại các vụ buôn lậu của những "doanh nghiệp ma" bị phát hiện, có một điểm chung là hàng hóa thường được miễn kiểm tra thực tế. Để xuất, nhập hàng hóa trót lọt, các đối tượng sẽ mở tờ khai theo luồng xanh, đồng thời sẽ sử dụng những công ty đáp ứng được các tiêu chí quản lý rủi ro của ngành hải quan.
"Doanh nghiệp ma" và khi nhập khẩu hàng hóa lại được phân vào luồng xanh, luồng miễn kiểm tra - nghịch lý này xuất phát từ việc không có sự chia sẻ về mặt thông tin của các doanh nghiệp giữa các lực lượng chức năng. Đây chính là một trong những lý do dẫn tới các đối tượng lợi dụng buôn lậu hàng hóa với số lượng lớn bằng container.
Lợi dụng chính sách phân luồng xanh, các đối tượng đã đưa hàng lậu đi bằng con đường chính ngạch được mở tờ khai đàng hoàng.
Để có thể đánh giá, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại của những "doanh nghiệp ma", các lực lượng chức năng sẽ cần thông tin từ khâu doanh nghiệp được thành lập, đến khi mở tờ khai để nhập hàng hóa, sau đó quá trình giám sát hàng hóa lưu thông trong nội địa. Tuy nhiên, hiện mỗi một lực lượng chỉ nắm được một phần thông tin của quy trình này.
Việc thiếu phối hợp chặt chẽ về mặt thông tin không những gây khó khăn trong công tác kiểm soát hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở cửa khẩu, mà còn khó có thể quản lý chặt ở khâu nội địa.
Hàng hóa được phân luồng, tức có những hàng hóa phải kiểm tra khi nhập khẩu, còn có những hàng hóa được xếp vào luồng xanh thì không phải kiểm tra. Chính sách này là để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần có cơ chế để chống buôn lậu như hàng hóa có thể không cần phải mở ra để kiểm tra nhưng phải đưa qua máy soi tự động. Đồng thời cũng cần có cơ chế phối hợp thông tin và hậu kiểm chặt chẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!