Nguyên nhân chính khiến hơn 30.000 căn hộ tại TP Hồ Chí Minh chưa được cấp sổ hồng là do chưa "chốt" được tiền sử dụng đất.
Lý giải nguyên nhân của việc chậm nộp tiền sử dụng đất trên tờ Đầu tư chứng khoán, một doanh nghiệp cho biết, trước đây, việc tính tiền sử dụng đất do Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh phụ trách. Từ năm 2014, công tác này được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất. Do vậy, hầu hết hồ sơ tính tiền sử dụng đất bị kéo dài do bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, chuyển đi lòng vòng nhiều khâu.
Mới đây, Hội đồng thẩm định giá đất TP Hồ Chí Minh đề xuất cho phép thành phố xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thay vì phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá cụ thể.
Toàn TP Hồ Chí Minh hiện có 63 dự án với hơn 30.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cho rằng nếu kiến nghị này được thông qua, sẽ giúp kéo giảm thời gian xác định tiền sử dụng đất từ khoảng 3 năm như hiện nay xuống chỉ còn khoảng 10 - 15 ngày, bên cạnh đó cũng giúp nhà đầu tư có thể dự đoán trước được số tiền phải nộp.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Đầu tư công chờ 2022
Dù quyết tâm đẩy mạnh nhưng hơn 1 tháng rưỡi còn lại của năm 2021 cũng khó có thể đủ cho các Bộ ngành, địa phương hoàn tất nhiệm vụ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm nay. Do đó, đã đến lúc cần bàn kế hoạch đầu tư công 2022, không để năm sau lặp lại như năm trước.
ThS. Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, tác giả bài viết trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp nhận định, bên cạnh kỷ luật giải ngân đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2022 phải được giao sớm ngay từ những tháng cuối của năm nay, không để các địa phương "lấn" thời gian phân bổ sang năm sau là điều kiện để đầu tư công 2022 thoát ì ạch.
Còn một yếu tố đã xuất hiện trong năm nay và cảnh báo sẽ tiếp tục năm sau, tác động trực tiếp đến các dự án đầu tư, đó là sự tăng giá nguyên vật liệu hàng hóa.
Do vậy, làm thế nào để tính toán vốn trung chuyển của các dự án, kiểm soát mức tăng giá đột biến mới để các dự án không đội vốn quá mức cho phép là bài toán các Bộ, ngành, địa phương ngay khi tiếp nhận kế hoạch giao vốn cần tính đến.
Thương mại điện tử đón nguồn vốn khổng lồ
"Kỳ lân công nghệ Việt Nam" VNG vừa đầu tư 22 triệu USD vào Telio, nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam. Cách đây 1 tuần, Tiki cũng hoàn thành vòng gọi vốn Series E, huy động được 258 triệu USD.
Shopee từng nhận vốn đầu tư 50 triệu USD của SEA (Singapore). Tờ Đầu tư dẫn lời các chuyên gia, nền kinh tế Internet của Việt Nam tiếp tục thu hút vốn toàn cầu nhờ các nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan về thương mại điện tử, cùng với cơ cấu dân số trẻ, khả năng nắm bắt công nghệ tốt, việc bùng nổ mua sắm online buộc các thương hiệu phải triển khai các chiến lược thương mại điện tử. Thị trường sẽ có thêm các thương vụ đầu tư, mua bán, sáp nhập (M&A) trong thời gian tới. Tất cả hứa hẹn một cuộc chiến hấp dẫn nhưng không kém phần khốc liệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!