Những cải cách kinh tế và chính trị dưới thời Đổi mới đã biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. (Ảnh: FT)
Bài viết mô tả một Việt Nam "bứt phá" với những thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, y tế, giáo dục, quân sự và ngoại giao, đồng thời lý giải "bí quyết" để Việt Nam phát triển như ngày nay từ một nước nghèo cách đây 35 năm.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ngưỡng mộ. Những cải cách kinh tế và chính trị dưới thời Đổi mới đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 - 2018, GDP bình quân đầu người đã tăng 2,7 lần, đạt hơn 2.700 USD năm 2019 và hơn 45 triệu người đã thoát nghèo. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống dưới 6%.
Bài viết nêu rõ, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi nhanh chóng bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước mạnh mẽ và sản xuất hướng tới xuất khẩu. GDP thực tế ước tăng 7%, là một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế Việt Nam đã thể hiện được khả năng phục hồi đáng nể. WB đánh giá tác động của COVID-19 ở Việt Nam không nghiêm trọng như các nước khác do quốc gia này nhanh chóng áp dụng các biện pháp chủ động ở cấp quốc gia và địa phương. Khuôn khổ kinh tế vĩ mô và tài khóa vẫn được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính đạt gần 3% năm 2020.
Xuất khẩu thủy sản có nhiều cơ hội bứt phá từ các FTA. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Dịch bệnh COVID-19 cũng không thể ngăn cản kinh tế Việt Nam đạt những kết quả “ngoạn mục”. Bài viết dẫn lời Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa, cho thấy các chỉ số kinh tế lạc quan của Việt Nam: tăng trưởng kinh tế cao (bình quân 6%/năm), quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần, năng suất lao động tăng cao (bình quân 5,8%/năm), kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn; môi trường kinh doanh cải thiện, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện một bước quan trọng, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển.
Theo Sputnik, đầu tư công vẫn chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam suốt 35 năm Đổi mới.
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ cấu đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng giảm dần theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường và bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh cũng như khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng.
Số liệu từ Viện Nghiên cứu và Quản lý trung ương cho thấy, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội trong 10 năm qua giảm từ 39,04% giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 31 - 34% giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng lại liên tục được cải thiện, hệ số sử dụng vốn ICOR giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 6,11, cao hơn so với mức gần 6,29 của giai đoạn 2011 - 2015.
Tác giả bài viết cũng đánh giá cao việc Việt Nam ý thức được rõ "chuyển đổi số" đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế sau 35 năm Đổi mới.
Tác giả cho biết cuối năm 2019, Chính phủ Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia.
Trong vòng 7 năm (2014 - 2020), Việt Nam đã tiến 29 bậc, lên vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do WIPO công bố. Dịch COVID-19 xuất hiện đã cho thấy sự chuyển đổi linh hoạt của người Việt nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!