Trả lời câu hỏi về trách nhiệm quản lý trước tình trạng xăng dầu lậu, xăng giả kém chất lượng quy mô lớn thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều nay.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…) cũng như nhiều cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an, hải quan, Bộ Tài chính, Công Thương….)
Riêng với Bộ Công Thương, theo ông Đông, trách nhiệm trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu được quy định nhiều nhất trong Nghị định 83. Tại đây, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công chịu trách nhiệm về vấn đề chất lượng, số lượng, cũng như pha chế. Còn với các địa phương, có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân xăng dầu trên địa bàn của mình, cùng như giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn của mình.
"Trong Nghị định 83, với Bộ Công Thương có 3 chức năng chính: Chủ trù phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối", ông Đông cho biết.
Đường dây buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ xăng giả tại Đồng Nai và nhiều tỉnh thành vừa bị triệt phá
Ông Đông cho biết, trong thời gian theo dõi vừa qua, việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 cơ bản được thực hiện tốt. Tuy nhiên có một số thương nhân có dấu hiệu, có biểu hiện vi phạm Nghị định 83 như liên quan tới việc duy trì điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương luôn chú trọng tới việc yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ.
"Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như công an, hải quan, Bộ Tài chính… để phòng chống gian lận thương mại, cũng như giám sát hoạt động của các thương nhân kinh doanh xăng dầu", ông Đông khẳng định.
Theo ông Đông, ngay trong cuối năm 2020 đã kiểm tra và sẽ có báo cáo để xử lý những thương nhân kinh doanh xăng dầu không đúng quy định.
Giảm 20 - 30% giá điện mặt trời áp mái nhà là hợp lý
Cùng với xăng giả, dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới của Bộ Công Thương cũng đã nhận được nhiều quan tâm từ báo chí.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới, thay thế cho mức giá đang được quy định tại Quyết định 13, đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020
Tại đây, giá điện mặt trời áp mái dự kiến sẽ giảm gần 30% từ mức 8,38 cent/kWh (theo Quyết định 13/2020) xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án, thay vì áp dụng "đồng giá" như trước. Quy mô càng lớn giá sẽ càng thấp, khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, sự tiến bộ công nghệ đang cho phép sản xuất điện mặt trời áp mái nhà với chi phí ngày càng rẻ hơn
"Chúng tôi tham mưu cho Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng, đối với điện mặt trời áp mái nhà sẽ tiếp tục sử dụng cơ chế giá điện cố định. Bởi vì có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ sản xuất điện mặt trời trong thời gian vừa qua, dẫn đến chi phí sản xuất điện mặt trời áp mái nhà giảm xuống rất nhanh.
Không chỉ điện mặt trời áp mái nhà, mà điện mặt trời trên mặt đất, mặt nước, chi phí sản xuất điện cũng giảm rất nhanh", Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) trả lời tại buổi họp báo.
Ông Dũng cho biết đây là cơ sở để tính toán giảm giá điện mặt trời nói chung cũng như điện mặt trời áp mái nhà nói riêng.
"Mức giảm từ 20 – 30% là hợp lý, vẫn đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, người mua điện của như Tập đoàn điện lực Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!