Hàng Trung Quốc "bao vây" hàng Việt

Quang Huy-Thứ tư, ngày 29/05/2013 17:11 GMT+7

Ảnh minh họa

Trên cả thị trường tiêu dùng và thị trường sản xuất, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn với 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội, hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều có một điểm chung là xuất xứ từ Trung Quốc. 100% tiểu thương ở đây chọn hàng Trung Quốc bởi giá rẻ, mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đa số người dân.

Một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Hàng Trung Quốc mẫu mã đa dạng, phong phú nên bán rất chạy. Thường bán được 10 mặt hàng Trung Quốc thì hàng Việt Nam chỉ bán được khoảng 3, 4”.

‘ (Ảnh minh họa)

Không chỉ hàng tiêu dùng mà nhiều ngành sản xuất như may mặc, da giày, xây dựng… cũng đang phụ thuộc vào việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.

Hiện Tổng công ty Lilama 3 mỗi năm nhập khoảng 4.500 tấn thép từ Trung Quốc, chiếm 60% tổng nguyên liệu đầu vào của nhà máy. Do đó, khi đồng Nhân dân tệ tăng giá thì chi phí để nhập nguyên liệu sẽ tăng lên đáng kể.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng Giám đốc công ty Lilama 3 cho biết: “Việc tăng giá đồng Nhân dân tệ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành của nguyên liệu khi Trung Quốc cung cấp vào thị trường Việt Nam. Nếu doanh nghiệp không tính toán trước, chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được các đơn hàng”.

Từ năm 2010 đến nay, tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và USD đã tăng khoảng 11%, mức cao nhất trong 19 năm qua. Theo TS Phạm Thị Hoàng Anh đến từ Học viện Ngân hàng Hà Nội, nếu không giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu hàng Trung Quốc, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS Phạm Hoàng Anh cho rằng: “Đối với lĩnh vực may mặc, 70% được nhập từ Trung Quốc. Do đó, chúng ta càng xuất khẩu, chi phí nhập khẩu càng cao. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc còn khiến giá thành sản phẩm tăng lên, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước".

Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng cao là do ngành sản xuất nguyên liệu phụ trợ trong nước còn yếu kém. Đơn cử như ngành may mặc, không ít doanh nghiệp đến cái kim, sợi chỉ cũng phải nhập khẩu.

Muốn giảm phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc, sớm hay muộn cũng phải xây dựng chuỗi liên kết từ nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ đến sản xuất. Nhưng yếu tố quan trọng nhất, đó là bản thân các doanh nghiệp trong nước phải tự thay đổi mình để đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước