Theo nội dung đơn tố cáo của hàng chục lao động Việt Nam tại Nhật Bản, bà Lương giới thiệu là giảng viên của một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, có nhiều quan hệ nên có khả năng mua được vé máy bay giá rẻ hơn nhiều các đại lý bán vé khác. Với cam kết trả hoa hồng từ 7,5-10%, bà Lương đã tạo được một mạng lưới khách hàng đông đảo tại Nhật, thậm chí, một số lao động còn đứng ra thu gom danh sách mua vé cho bà Lương.
Điều kiện bà Lương đưa ra để khách có được vé giá rẻ là người mua phải chuyển hết tiền cho trước một vài tháng để đặt vé giữ chỗ của Vietnam Airlines. Thế nhưng, bà Lương đã lợi dụng chính sách đặt vé giữ chỗ trong vòng 24h để lấy code vé chuyển cho khách hàng làm tin. Còn thực tế, không có một đồng tiền nào được xuất ra để mua vé. Vì vậy, vài tháng sau, nhiều người mới tá hỏa khi ra đến sân bay mới phát hiện mình không có vé.
Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, các nạn nhân đã nhờ người thân tại Việt Nam đến nhà bà Lương để tìm hiểu, nhưng chỉ nhận được một thái độ không hợp tác. Theo Luật sư, với thủ đoạn lợi dụng niềm tin của khách hàng, chiếm đoạt tài sản có thể cấu thành tội lừa đảo và sẽ bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, các luật sư cho biết, việc xử lý những đơn tố cáo như thế này trở nên phức tạp và kéo dài bởi điều kiện địa lý xa xôi khi hầu hết các nạn nhân đều đang lao động ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, giao dịch giữa hai bên chỉ thể hiện các giấy bà Lương viết tay để vay tiền, không thể hiện rõ mục đích vay. Bà Lương không hề bỏ trốn hoặc thoái thác nghĩa vụ trả nợ, chưa đủ hành vi cấu thành tội lừa đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!