Hàng Việt đã tự tin chinh phục người Việt?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 11/06/2020 11:22 GMT+7

VTV.vn - Quan điểm người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang dần dịch chuyển sang người Việt Nam tự hào hàng Việt Nam.

Một trong năm biện pháp được xác định là mũi giáp công để tái khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 là tăng cường nhu cầu nội địa. Cơ hội nào cho sản phẩm nội địa sau chiến thắng ấn tượng của Việt Nam với COVID-19?

Trong khi các quốc gia trên thế giới vẫn vật lộn với COVID-19, thậm chí có nơi còn đối mặt với làn sóng đại dịch thứ 2 thì Việt Nam đã đi qua 56 ngày, tức là gần 2 tháng yên bình. Ngày 9/6, dịch vụ karoke và vũ trường đã chính thức được hoạt động trở lại, một dấu mốc cho sự trở lại nhịp sống hoàn toàn bình thường. Sự tổn thất của nền kinh tế là rất lớn, nhưng nhìn ở một góc độ khác, lại có điểm sáng là cơ hội cho hàng Việt chinh phục khách hàng nội địa lại có phần rộng mở hơn.

Các số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt gần 385.000 tỷ đồng, tăng gần 27% so với tháng trước. Điều tra mới đây của Nielsen cho thấy, 17% người Việt sẽ chỉ mua thương hiệu trong nước, 59% sẽ phần lớn mua thương hiệu trong nước. Riêng trong tháng 5, gần 11.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 40% so với tháng trước. Đó là chưa kể số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh so với tháng 4, thậm chí tăng hơn cả cùng kỳ năm ngoái.

Hàng Việt đã tự tin chinh phục người Việt? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Đây là lúc chúng ta có thể cảm nhận rõ rệt niềm tự hào Việt Nam trong suy nghĩ, trái tim người Việt. Nói như các bạn trẻ, 2 chữ Việt Nam đang là xu hướng. Đã có nhiều thương hiệu Việt cất cánh, chiếm trọn tình cảm, niềm tin với người tiêu dùng trong nước như Biti's, Việt Tiến, May 10, Vinamilk, nho Ninh Thuận hay nước mắm Phú Quốc. Nhưng rõ ràng, sự thành công của những thương hiệu này không chỉ xuất phát từ những lời kêu gọi người Việt dùng hàng Việt.

Sau đại dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại, các dòng chảy thương mại - đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể tiến nhanh hơn. Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, thương hiệu Việt Nam đứng thứ 42 sau nhiều năm tăng bậc liên tục, và chúng ta đang tràn đầy hy vọng tiếp tục đà thăng tiến trong năm nay. Nhưng để khẳng định mình trên trường quốc tế, trước tiên hàng Việt phải giành chiến thắng trên sân nhà, đó mới là chiến thắng vinh quang và bền vững nhất.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 10/6 với sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên Đại học Thương mại, chuyên gia chiến lược thương hiệu và cạnh tranh sẽ bàn chi tiết hơn về vấn đề này.

Vấn đề hôm nay - 10/6/2020

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước