Hãng xe Việt tính gì trước “trào lưu” giảm thuế, giảm giá của ô tô ngoại?

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 20/12/2020 18:14 GMT+7

VTV.vn - Trước hàng loạt chính sách thuế đối với xe nhập được dỡ bỏ, xe ô tô tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn để cạnh tranh giữ được thị trường trong nước.

Những sức ép lớn dần trên thị trường xe Việt

Theo cơ chế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập với xe các nước Đức, Pháp bắt đầu từ tháng 8/2020 và đến hết năm 2030 sẽ bãi bỏ hoàn toàn 67 - 70,9% thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi.

Theo hướng dẫn của Nghị định số 111/2020/NĐ-CP mà Chính phủ ban hành mới đây về miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa theo EVFTA giai đoạn 2020 - 2022, thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi từ EU, chủ yếu là Đức, Pháp, Italy, Thụy Điển... về Việt Nam sẽ giảm trung bình từ 6,8% đến 7,4%/năm (tùy theo dung tích).

Với lộ trình cắt giảm từ 6,8 - 7,4%/năm, xe EU về Việt Nam sẽ phải mất từ 9 - 10 năm để bỏ thuế. Về lý thuyết, giá các mẫu xe nhập như Audi, Peugeot, Renault, Lexus, Volvo của Đức, Pháp, Italy, Thụy Điển hay Nhật, Mexico, Australia về Việt Nam có thể được người tiêu dùng cảm nhận sẽ xuống giá mạnh từ năm 2025 trở đi.

Hãng xe Việt tính gì trước “trào lưu” giảm thuế, giảm giá của ô tô ngoại? - Ảnh 1.

Nhiều mẫu xe Đức, Pháp, Nhật sẽ có lợi thế giảm thuế phí, giảm giá tại Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn nữa.

Cùng với EVFTA, năm 2019 Việt Nam cũng ký kết với các đối tác Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mức thuế suất đối với xe nhập từ các nước CPTPP hiện được áp dụng 70% giống như WTO, ở giai đoạn ngắn hạn, Việt Nam sẽ cắt bỏ thuế trung bình từ gần 4 -6%/năm.

Theo Nghị định 57/2019 của Chính phủ về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2019-2022, mức thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi từ Mexico sẽ xuống mức thấp nhất 56% vào năm 2022.

Trong khi đó, bốn nước còn lại là Nhật, Australia, Canada, Singapore sẽ có mức áp thuế giảm nhanh hơn đối với xe dung tích xy lanh cao trên 2.500 cc trở lên. Mức thuế suất hiện tại là 52% đối với dòng xe trên 3.000cc sẽ được giảm xuống 46,2% vào năm 2022.

Các dòng xe có dung tích từ 1.500cc đến 2.000cc được giảm xuống mức thuế 56% như xe của Mexico; xe có dung tích từ 2.000 cc đến 2.500cc sẽ được giảm thuế xuống chỉ còn 50,9% vào năm 2022.

Về dài hạn, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm thuế quan, mở cửa nhập khẩu xe hơi từ các nước đối tác như Nhật Bản, Canada từ 7 trở đi (kể từ khi CPTPP được ký kết chính thức).

Đối với các đối tác khác, thuế suất sẽ được áp dụng chung theo dung tích xe hơi, đơn cử là đối với xe dưới 9 chỗ ngồi dung tích xy lanh cao từ trên 3.000 cc, Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập từ năm thứ 10 (tức là năm 2029) và năm thứ 13 đối với các dòng xe có xy lanh thấp hơn.

Như vậy, có thể nói, bắt đầu từ năm 2026 đến 2032 (tùy theo đối tác), thuế nhập khẩu xe hơi từ một số nước CPTPP vào Việt Nam sẽ bằng 0%.

Giá xe từ Đức, Pháp và Nhật về Việt Nam... đã giảm

Kể từ khi hai FTAs thế hệ mới được thực hiện CPTPP (đầu năm 2019) và EVFTA (đầu tháng 6/2020), nhiều loại xe nhập từ các nước nằm trong các khối Hiệp định về Việt Nam đã giảm giá khá mạnh.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 11/2020, giá xe nhập từ Đức về Việt Nam bình quân giảm từ 1,4 tỷ đồng/chiếc, xuống 1,2 tỷ đồng/chiếc, giảm gần 200 triệu đồng/chiếc. Tương tự, xe nhập của Pháp cũng giảm từ bình quân 2,5 tỷ đồng/chiếc năm 2019 xuống chỉ còn 2,1 tỷ đồng/chiếc, giảm 400 triệu đồng/chiếc. Xe nhập từ Nhật, nước nằm trong CPTPP từ mức 1,2 tỷ đồng/chiếc, xuống chỉ còn tỷ đồng/chiếc.

Hãng xe Việt tính gì trước “trào lưu” giảm thuế, giảm giá của ô tô ngoại? - Ảnh 2.

Ngành ô tô, doanh nghiệp ô tô trong nước sẽ bị đặt trên sân chơi phẳng, cạnh tranh không khoan nhượng với xe ngoại trên chính sân nhà.

Theo một số doanh nghiệp và chuyên gia xe hơi, việc giảm giá xe từ việc giảm thuế có thể sẽ xảy ra từ năm 2021 trở đi, càng các năm sau mức độ sẽ lớn dần do thuế quan được cắt bỏ lớn.

Một số hãng xe nhập khẩu không có đại lý phân phối chính thức, độc quyền sẽ tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam, trong khi đó, các hãng đã đặt liên doanh rồi, sẽ hạn chế "đối đầu" về giá ở giai đoạn đầu. Sức ép lớn nhất, căng thẳng nhất vẫn dành cho các hãng xe 100% thương hiệu nội địa hoặc có dây chuyền lắp ráp rất lớn như Thaco, Thành Công...

Để giữ vững được thị phần, cạnh tranh được với xe nhập có ưu thế về thương hiệu, lại đang được bỏ thuế, các hãng xe tại Việt Nam sẽ phải tự đứng bằng chính đôi chân của mình: Cắt giảm chi phí, chiếm lấy thị trường và người tiêu dùng, đặc biệt là phải giảm giá xe, nâng chất lượng để tạo lợi thế cạnh tranh.

Thị trường xe Việt có nhiều yếu tố giúp xe ngoại thành công, đó là giá xe cơ bản đang rất cao so với thu nhập thực tế của đại bộ phận người có nhu cầu. Trong khi số xe trên đầu người thấp, dư địa lớn để các hãng xe nước ngoài khai thác.

Thứ hai là xe hơi dưới 9 chỗ ngồi tại Việt Nam bị phân mảnh, chia dòng xe quá manh mún, thị trường của hơn 400.000 xe/năm, nhưng có sự phát triển đa dạng của tất cả các mẫu như hatchback, sedan, SUV, Crossover, CUV, MPV... Tỷ lệ tiêu thụ các mẫu xe của hãng/dòng xe vẫn thấp nên các doanh nghiệp lắp ráp trong nước chịu chi phí cao, khó ăn lãi. Trong khi đó, đây lại là lợi thế cho xe nhập.

Thứ ba, thị hiếu sính ngoại của đại bộ phận người dân hiện vẫn rất lớn, đặc biệt đối với những sản phẩm tiêu dùng lớn, có giá trị như tài sản là xe, người có tiền, giàu có có xu hướng chọn xe thương hiệu ngoại, đắt tiền là lâu đời. Trong khi, tỷ lệ tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang ngày một tăng, với khoảng 14% số dân, vì vậy, các hãng xe trong nước cần cạnh tranh không chỉ bằng giá cả mà còn phải bằng chất lượng, tiện nghi.

Chuyện lạ: Giữa mùa cao điểm, xe nhập về Việt Nam giảm hàng nghìn chiếc Chuyện lạ: Giữa mùa cao điểm, xe nhập về Việt Nam giảm hàng nghìn chiếc

VTV.vn - Trái với xu hướng tăng lượng nhập khẩu xe cuối năm, xe nhập khẩu trong tháng 11/2020 suy giảm gần 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước