Để duy trì tư cách thành viên trong khu vực thị trường chung châu Âu (EEA), Anh cần trả thêm cho EU 850 triệu bảng/năm, ngoài mức đóng góp hiện nay. Số liệu này được báo chí Anh trích nguồn tin từ Ủy ban châu Âu. Con số này cao hơn so với mức đóng góp hiện nay của Na Uy, một nước cũng nằm ngoài EU nhưng thuộc khu vực thị trường chung.
Theo Financial Times, Anh đang là một trong những nước đóng góp nhiều nhất vào ngân sách EU, khoảng hơn 8 tỷ bảng/năm. Cả báo này và BBC đều trích nhiều ý kiến cho rằng, đưa ra ý tưởng đóng tiền để được ở lại thị trường chung và còn đóng nhiều hơn cả mức trước khi xảy ra Brexit, chính phủ đang tự mua vào mình nhiều khó khăn. Sẽ khó tránh được sự tức giận của những người đã bỏ phiếu rời châu Âu chỉ vì không muốn tiếp tục phải đóng góp cho EU.
Tờ Điện tín trích lời một số luật sư cấp cao cho rằng, việc kích hoạt điều 50 hiệp ước Lisbon chỉ là bắt đầu quá trình đàm phán rời khỏi châu Âu, không đồng nghĩa Anh tự động ra khỏi khu vực thị trường chung. Để dừng việc đóng tiền cho EU, cần một sự thống nhất lần nữa từ quốc hội và chính phủ Anh, rằng nước này có còn muốn ở lại hay là ra khỏi khu vực thương mại tự do này. Chính phủ Anh sẽ sớm phải quyết một lập trường cụ thể cho vấn đề, thay vì khá mù mờ như trong suốt 5 tháng nay.
Theo Guardian, với nhiều yếu tố ràng buộc phức tạp như vậy (tính cả khoản thiệt hại ước tính 66 tỷ bảng/năm nếu Anh rời thị trường chung châu Âu), việc trả thêm tiền để ở lại khu vực thương mại tự do này có nhiều khả năng xảy ra. Giới chức Anh đều hiểu khu vực thị trường chung châu Âu quan trọng ra sao với nền kinh tế.
Bloomberg đặt vấn đề trong một bối cảnh rộng hơn. Số lượng người nhập cư vào Anh lại ghi nhận một con số kỷ lục mới theo năm. Thời điểm này đặt ra vấn đề Brexit mềm với bất kỳ sự thỏa thuận nào liên quan đến chuyện lao động nhập cư, gần như là không thể. Nước Anh cũng khó để từ bỏ khu vực thương mại tự do.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!