Chuỗi cung ứng dịch chuyển
Xu hướng giảm tối đa sự lệ thuộc vào một thị trường hoặc một đối tác có tính chi phối như Trung Quốc dự báo sẽ được đẩy mạnh với việc các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Đức... đi tiên phong hậu COVID-19.
Thay cho "outsourcing" nghĩa thuê ngoài, từ ngữ mới hiện nay Mỹ bắt đầu sử dụng là "expensing", tức chính quyền sẵn sàng chi trả 100% chi phí của các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc và chuyển sản xuất về Mỹ hoặc sang các nước khác.
Chuỗi cung ứng toàn cầu dường như đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Báo cáo mới nhất của The Economist chỉ ra rằng, đang có sự đảo ngược của xu hướng toàn cầu hóa trở thành nội địa hóa, khu vực hóa chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Theo đó, các doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu sẽ dẫn đầu xu hướng xây dựng chuỗi cung ứng tại khu vực của mình trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể bùng phát như kiểu cúm mùa hằng năm, khiến việc đóng cửa và giãn cách xã hội diễn ra một cách thường xuyên hơn. Những dây chuyển sản xuất quan trong nhất sẽ được dịch chuyển về bản xứ trước tiên.
Trung Quốc sẽ mua cả "thế giới"?
Nhưng về phía các doanh nghiệp Trung Quốc thì sao? Họ cũng không khoanh tay đứng nhìn vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, mai một. Thay vào đó, họ mạnh tay vung tiền cho các thương vụ mua bán, sát nhập các doanh nghiệp nước ngoài.
Và các chuyên gia kinh tế cũng nhận định làn sóng đẩy mạnh thâu tóm hậu COVID-19 mà doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến hành hiện nay được xem như là chiến lược để tham gia 1 chân vào các chuỗi cung ứng khu vực hóa này, đồng thời duy trì tầm ảnh hưởng.
Làn sóng đẩy mạnh thâu tóm hậu COVID-19 mà doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến hành hiện nay được xem như là chiến lược để tham gia 1 chân vào các chuỗi cung ứng khu vực
Thực tế đã cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, số thương vụ M&A thành công của các nhà đầu tư Trung Quốc - những người được xem là không có gì ngoài tiền, đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đạt con số 57 thương vụ, với giá trị khoảng 10 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 145 thương vụ khác được công bố nhưng chưa hoàn tất.
Theo Bloomberg, nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, thậm chí là công ty con của tập đoàn nhà nước đang mở cuộc "săn lùng" các công ty gặp khó trong đại dịch hay các tài sản giá rẻ tại lục địa già. Hiện các lĩnh vực từ ngân hàng, khách sạn, đội bóng đá, công ty năng lượng hay trang sức là đích ngắm số 1 thay vì chỉ nhăm nhắm hướng tới mua lại các công ty công nghệ và nghiên cứu kỹ thuật cao. Các ngân hàng ở Trung Quốc đang nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn mua các tài sản ở châu Âu của các công ty và các quỹ đầu tư nội địa.
Không chỉ với châu Âu, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang hướng sự chú ý tới nhiều quốc gia khác, nơi các doanh nghiệp đang suy yếu vì đại dịch COVID-19 và có thể trở thành những mục tiêu thâu tóm hấp dẫn.
Không chỉ với châu Âu, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang hướng sự chú ý tới nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia
Đó là Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Mới đây nhất, ngân hàng nhân dân Trung Quốc PBOC đã nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại HDFC - ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ, trong khi quỹ đầu tư CNIC được Bắc Kinh hậu thuẫn cũng đang xem xét mua khoảng 10% cổ phần của Greenko Group, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Ấn Độ.
Các công ty trong ngành dược phẩm của Nhật Bản cũng đang được coi là những mục tiêu mà doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm.
Những hàng rào được dựng lên
Lãnh đạo Liên minh châu Âu ngay lập tức đã có những phản ứng quyết liệt. Mới nhất EU đang tìm cách hoàn tất kế hoạch tham gia góp vốn cho các doanh nghiệp chủ chốt của khối, nhằm tránh nguy cơ các doanh nghiệp này bị nước ngoài thâu tóm. Trước đó, Liên đoàn Công nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực sản xuất thép, nhôm, gốm và sợi thuỷ tinh đã cảnh báo về nguy cơ nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại bệnh có thể bị Trung quốc thôn tính.
Liên minh châu Âu đã có những biện pháp để phòng vệ trước làn sóng M&A từ phía Trung Quốc
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ mới đây đã sửa đổi quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm ngăn chặn các vụ thâu tóm cơ hội hoặc mua lại các công ty Ấn Độ, vốn đang suy yếu nghiêm trọng vì COVID-19. Tất cả các hoạt động đầu tư FDI từ các quốc gia láng giềng, có chung đường biên giới trên bộ sẽ phải được chính quyền New Delhi phê chuẩn.
Các khoản đầu tư được thực hiện thông qua một nước thứ ba cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định này. Mặc dù giới chức Ấn Độ cho biết, quy định mới không nhằm cụ thể vào bất kỳ quốc gia nào song Trung Quốc được cho sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu, bởi các doanh nghiệp nước này đang đầu tư nhiều nhất vào Ấn Độ tới 26 tỷ USD.
Một nền kinh tế lớn khác tại châu Á là Nhật Bản cũng vừa công bố danh sách các công ty được coi là đối tượng hạn chế chế đầu tư từ nước ngoài. Danh sách này bao gồm 518 công ty thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp cốt lõi như sản xuất vũ khí, máy bay, không gian vũ trụ, điện nguyên tử, an ninh mạng, điện khí, gas…
Theo đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trên 1% đối với các công ty cốt lõi này phải thông báo trước, để cơ quan quản lý kinh tế Nhật Bản xem xét. Sau cú sốc COVID-19, Bộ Tài chính Nhật Bản đang có kế hoạch bổ sung lĩnh vực sản xuất thiết bị phục vụ y tế như thuốc, vacxin, máy thở vào danh mục lĩnh vực công nghiệp cốt lõi. Danh sách công ty hạn chế đầu tư từ nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng.
Nhật Bản công bố danh sách 518 công ty được coi là đối tượng hạn chế chế đầu tư từ nước ngoài
Ngay cả Australia - đối tác thương mại chặt chẽ của Trung Quốc giờ đây cũng bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ hơn, sau nhiều năm niềm nở chào đón dòng vốn lớn và ổn định từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Chính phủ Australia hiện đang yêu cầu tất cả các khoản đầu tư nước ngoài đều phải chịu sự giám sát của Ủy ban Đánh giá đầu tư nước ngoài, bất kể giá trị thỏa thuận là bao nhiêu. Thời gian đánh giá, rà soát có thể kéo dài tới 6 tháng, thay vì mức 1 tháng như trước đây. Quy định này sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Dịch chuyển chuỗi cung ứng, Trung Quốc sẽ mua cả "thế giới"?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!