Hậu quả mua bán hóa đơn trái pháp luật

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 24/07/2023 20:17 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để mua bán và sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp.

Mục đích của việc mua bán hóa đơn trái pháp luật là doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa số thuế phải nộp... Thủ đoạn này của nhiều doanh nghiệp đang diễn biến ngày càng tinh vi. Hậu quả là làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế và thất thoát ngân sách nhà nước.

Cần vốn cho sản xuất nhưng Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân lại gặp nhiều khó khăn khi đề nghị Cục Thuế TP Hà Nội hoàn trên 12 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng bởi trong bộ hồ sơ có một vài hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp đã giải thể.

Ông Nguyễn Đăng Lợi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cho biết: "Trong thời gian qua kinh tế rất khó khăn nhiều doanh nghiệp đã giải thể, không kê khai nộp thuế khiến doanh nghiệp chúng tôi bị ảnh hưởng".

Hậu quả mua bán hóa đơn trái pháp luật - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí

Là người đại diện tư vấn cho nhiều doanh nghiệp bị chậm trễ trong hoàn thuế, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động là qui luật tất yếu của thị trường nên không thể bắt các doanh nghiệp còn đang hoạt động gánh chịu hậu quả của việc giao dịch hóa đơn với những doanh nghiệp này.

"Doanh nghiệp làm sao khẳng định được trước đây mình đã quan hệ bán hàng cho doanh nghiệp còn sống hay đã phá sản, đang còn hoạt động hay không, nhất là sau đại dịch", Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh nhận định.

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ doanh nghiệp được thành lập chỉ để bán hóa đơn bất không hợp pháp cho các doanh nghiệp sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tiền ngân sách và tiền hoàn thuế đã được cơ quan công an phát hiện.

Thực tiễn này khiến cơ quan thuế rất thận trọng khi xác minh hóa đơn đầu vào của các doanh nghiệp có rủi ro cao. Nhiều trường hợp còn phải chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ khiến quá trình thẩm định hồ sơ kéo dài hàng năm.

Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho hay: "Chúng tôi phải đi xác minh hóa đơn đầu vào với trường hợp có rủi ro. Chúng tôi phải xác minh với đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài. Qua xác minh cho thấy có trường hợp đầu vào là F1 chưa phát hiện rủi ro, đến F2 là phát hiện rủi ro, lúc đó phải làm việc với doanh nghiệp xem có thực sự mua bán không và hóa đơn có hợp pháp không".

Tổng cục Thuế cũng sẽ tăng cường kiểm tra xác minh các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro và sẽ xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật các trường hợp sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước