Hệ lụy từ tư duy buôn bán tiểu ngạch

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 12/02/2022 21:02 GMT+7

VTV.vn - Hiện mỗi năm, thị trường Trung Quốc nhập khẩu hơn 400 tỷ USD nông sản, nhưng nông sản Việt mới chiếm chưa tới 10% thị phần.

Hôm nay (12/2), tỉnh Lạng Sơn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu. Thời gian thực hiện là 10 ngày, từ ngày 16/2 cho đến hết ngày 25/2. Đây là một giải pháp nhằm tránh tái diễn cảnh ùn ứ nông sản tại cửa khẩu

Tại thời điểm hiện nay, mặc dù hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh diễn ra bình thường nhưng tốc độ thông quan rất chậm. Mỗi ngày chỉ thông quan từ 70 đến 90 xe container. 

Nguyên nhân là vì phía Trung Quốc kiểm soát chặt hàng hoá nhập khẩu để phòng dịch COVID-19 theo phương thức giao nhận xe tại đường biên giới, sau đó phun khử khuẩn xe gần 60 phút mới cho điều khiển xe vào các bãi giao hàng . Trong khi đó số lượng xe chở hoa quả tươi từ các tỉnh, thành phố lên cửa khẩu Lạng Sơn ngày một tăng cao.

Hệ lụy từ tư duy buôn bán tiểu ngạch - Ảnh 1.

Tỉnh Lạng Sơn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ để xuất khẩu trong 10 ngày (Ảnh minh hoạ)

Việc thông báo dừng tiếp nhận trước 4 ngày để các chủ hàng, doanh nghiệp, lái xe có thời gian dự liệu kế hoạch, tránh tình trạng xe lên đến biên giới lại không được thông quan xuất khẩu. Dự kiến, trong 10 ngày dừng tiếp nhận sẽ xử lý thông quan hết 1950 xe đang chờ xuất, trong đó 85% là xe chở hoa quả tươi.

Hệ lụy từ tư duy buôn bán tiểu ngạch

Năm 2021, giá tri xuất khẩu của nông sản Việt đạt con số kỷ lục 48,6 tỷ USD nhưng điều đó vẫn chưa đồng nghĩa với việc có được thị trường bền vững. 

Câu chuyện hơn 6.000 xe nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu vào thời điểm cuối năm kéo dài đến sát Tết Nguyên đán và sau Tết lại tiếp tục ùn ứ như phóng sự vừa rồi cho thấy việc tiếp cận thị trường nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế: Từ hạ tầng thương mại cửa khẩu, tư duy buôn bán chưa cùng nhịp với tốc độ phát triển của thị trường. 

Như với quả mít, thường một ngày thường có 2 giá: Giá lúc 9h sáng và 12h trưa. Giá đó do vựa lớn họ phát ra. Và các vựa lớn đều lấy giá từ bên Trung Quốc.

Mít là nông sản được xuất khẩu chính ngạch nhưng điều đó cũng không làm thay đổi cung cách sản xuất và buôn bán. Thực chất đây vẫn là cuộc chơi của một vài chủ vựa Việt nam và thương nhân Trung Quốc mà thiếu vắng hoàn toàn những nhân tố quan trọng của một chuỗi giá trị là nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xe... Vì thế, một năm cũng vài bận quả mít phải chịu sự lên xuống, đóng mở bất thường.

Chính ngạch vẫn được khuyến nghị là con đường phải đi để thay đổi thực tế. Nhưng đó là con đường khó bởi xuất nhập khẩu tiểu ngạch luôn là hình thức được lựa chọn hàng đầu của thương nhân Trung Quốc vì thuế suất thấp, thủ tục dễ dàng. Còn việc nông dân, chủ vựa Việt Nam đáp ứng bất kể điều kiện gì để bán được hàng cũng là lý do khiến thói quen làm ăn tiểu ngạch ăn sâu.

"Nếu xuất khẩu chính ngạch thì nông dân phải thay đổi những cái gì hồi xưa tới giờ. Mình hồi xưa giờ quan trọng sản lượng, không quan tâm chất lượng", ông Lê Văn Trí (huyện Châu Thành, Hậu Giang) cho biết. 

Hệ lụy từ tư duy buôn bán tiểu ngạch - Ảnh 2.

Tư duy ngay từ khi trồng phần lớn nông dân xác định là chỉ để bán cho thị trường Trung Quốc phát sinh nhiều hệ luỵ (Ảnh minh hoạ)

Cũng vì tư duy ngay từ khi trồng phần lớn nông dân xác định là chỉ để bán cho thị trường Trung Quốc, nên quả mít, thanh long, dưa hấu... phát sinh nhiều hệ lụy. 

Đơn cử như thanh long, nắm bắt nhu cầu thị trường Trung Quốc cần nhiều loại quả này để thờ cúng, đòi hỏi mẫu mã đẹp nên từ nhiều năm nay ở những vùng trồng thanh long lớn có thêm một nghề mới là nghề vuốt tai thanh long. Vuốt kèm một loại thuốc để giữ cho tai thanh long cứng, tươi lâu và phải vuốt làm sao để trái có hình dáng đẹp nhất. Tăng công lao động, chi phí đầu vào nhưng khi Trung Quốc không mua thì không bán được cho ai.

Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính

Hệ lụy phụ thuộc vào một thị trường và tư duy làm ăn tiểu ngạch vẫn chưa có điểm dừng khi thị trường thay đổi nhanh chóng, còn chúng ta vẫn nếp làm ăn cũ. Từ năm 2022, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính khi bắt đầu áp 2 lệnh mới về điều kiện nhập khẩu nông sản hàng hóa. Trái cây Việt ngày càng khó tiến sâu vào nội địa của thị trường lớn bậc nhất thế giới này nếu không có một chiến lược xuất khẩu chính ngạch bài bản.

Thanh long, trái cây Việt Nam hiếm hoi có mặt tại các cửa hàng, chợ đầu mối thành phố Bắc Kinh bằng nhập khẩu chính ngạch. Gần đây thanh long Việt cũng không còn vị trí độc tôn tại Trung Quốc, khi không chỉ phải cạnh tranh với các nước ASEAN, mà trái cây Việt còn phải cạnh tranh khốc liệt với trái cây nhiệt đới bản địa. Yêu cầu chất lượng tại các thành phố Trung Quốc lớn ngày càng cao.

"Trái cây nước ngoài có mặt tại Bắc Kinh đều phải đáp ứng rất nhiều quy định mới về an toàn thực phẩm. Từ năm 2015, Trung Quốc đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm ngang bằng châu Âu", ông Trần Đề - Chủ cửa hàng trái cây chợ đầu mối, TP. Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết.

Hệ lụy từ tư duy buôn bán tiểu ngạch - Ảnh 3.

Nông sản Việt chịu tác động lớn do biên mậu tắc nghẽn thời gian qua (Ảnh minh hoạ)

Là nước xuất khẩu hàng đầu khối ASEAN vào Trung Quốc nhưng đa phần trái cây Việt chỉ quanh quẩn các tỉnh thành giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc bằng con đường xuất khẩu biên mậu. Và khi biên mậu tắc nghẽn do chính sách "Zero COVID", trái cây Việt khốn đốn. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia, Philippines hầu như bị ảnh hưởng không nhiều nhờ chủ yếu xuất chính ngạch bằng đường biển, hàng không. Việt Nam hiện có 9 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, trong khi Thái Lan có 22 loại.

"Giờ ra ngoài chợ đầu mối để mua hàng về bán thì hầu hết là trái cây nhập từ Thái Lan. Vấn đề không phải là rẻ hay đắt mà vì họ xuất sang đường hàng không nhiều và mua gì cũng có", ông Chu Bân - Người bán trái cây Quận Triều Dương, TP. Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết.

Năm 2021, Trung Quốc nhập đến 220 tỷ USD, tăng hơn 28% so với năm trước đó. Hầu hết các nước đều xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Xuất khẩu bằng chính ngạch sang Trung Quốc là lựa chọn tất yếu, không thể khác. Con đường nông sản còn dài lắm nhưng vẫn phải thay đổi để đi xa - dù phía trước còn chồng chất những khó khăn. Đi bằng chất lượng, bằng nội lực của nông sản Việt. 

Nếu chúng ta tiếp cận thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU thì mọi việc sẽ đơn giản hơn. Còn nếu vẫn quen "ăn xổi", quen giao thương theo đường tiểu ngạch thì chắc chắn là sẽ để mất đi một thị trường có nhu cầu hàng hóa ở mức khổng lồ. Hiện mỗi năm, thị trường Trung Quốc nhập khẩu hơn 400 tỷ USD nông sản, nhưng nông sản Việt mới chiếm chưa tới 10% thị phần.

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước