Một trong những đổi mới chiến lược của du lịch Việt Nam là đẩy mạnh những hệ sinh thái du lịch với các công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, công nghiệp văn hóa được đầu tư bài bản, đẳng cấp, chuyên nghiệp. Điều này không chỉ tạo ra những trải nghiệm mới để tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của khách quốc tế, mà còn kích thích sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ cũng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của các địa phương.
7 tháng đầu năm nay, khách du lịch đến Phú Quốc tăng gần 36% với cùng kỳ năm ngoái. Góp phần vào thành công phải kể tới những nhà đầu tư chiến lược, nổi bật là loạt công trình trị giá tỷ USD, được quy hoạch bài bản như cáp treo, tổ hợp giải trí biển, chuỗi biệt thự sát biển tại Bãi Kem, Mũi ông Đội. Các công trình đẳng cấp đang lấp khoảng trống "sản phẩm du lịch về đêm", kích thích thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của địa phương.
Tại các trung tâm du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng hay Nha Trang, xu hướng đầu tư cả hệ sinh thái du lịch phát huy hiệu quả. Riêng Hạ Long, Bãi Cháy đã thu hút tới 7,5 triệu khách 6 tháng đầu năm nhờ phát triển hệ thống sân bay, cảng biển, đường cao tốc, cơ sở lưu trú và dịch vụ vui chơi giải trí tại Bãi Cháy. Đầu tư du lịch bài bản đang lan tỏa đến các ngành, trong đó có bất động sản du lịch, mô hình thành công của những thiên đường nghỉ dưỡng như Hawaii, Phuket, Sentosa.
Đến 2025, Việt Nam dự kiến đón 32 triệu lượt khách quốc tế, cả nước cần khoảng 1 triệu phòng lưu trú. Thêm cơ hội lớn cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khi tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam trung bình từ 15-20%/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!