Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã chính thức được ký kết ngày 30/6 tại Việt Nam. Đây là một dấu mốc lớn trên con đường hội nhập của Việt Nam. Hiệp định EVFTA là Hiệp định toàn diện chất lượng cao và cân bằng lợi ích cho các bên.
Với hiệp định EVFTA, một trong những điều trông đợi nhất đó là hàng hóa Việt sẽ vào châu Âu nhiều hơn nhờ hưởng các ưu đãi thuế, khiến giá cả cạnh tranh tốt hơn so với trước. Thương hiệu hàng Việt từ các mặt hàng như: nông sản, đồ gỗ, da giày... sẽ được người tiêu dùng châu Âu biết tới nhiều hơn.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20 - 44%. Người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ rất phấn khởi khi được dùng các sản phẩm chất lượng từ châu Âu với giá thành rẻ hơn.
Châu Âu là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với quy mô thị trường 28 quốc gia. Vì vậy, cơ hội là rất lớn. Hiệp định EVFTA là hiệp định công bằng nhất và có sự bổ sung cho tất cả các bên. Có thể hiểu doanh nghiệp, các nhà đầu tư châu Âu có công nghệ nguồn, linh kiện đầu vào chất lượng cao... sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, quản trị cho doanh nghiệp Việt. Nhiều DN Việt lo lắng phía trước sẽ là con đường khó khăn vì phải cạnh tranh với hàng hóa châu Âu chất lượng cao, nhưng cũng nhiều DN Việt cho rằng đây chính là co hội vàng để thay đổi và bứt phá.
Tôm là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU đang chịu mức thuế từ 4 - 11%. Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam được ký kết, mức thuế này sẽ được gỡ bỏ. Không chỉ thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng rộng đường vào EU khi hơn 99% thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo cam kết. Còn đối với châu Âu, cơ hội xuất khẩu máy móc, ô tô, thực phẩm sang Việt Nam cũng được rộng mở.
Điều đặc biệt, giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, các sản phẩm xuất khẩu không cạnh tranh trực tiếp, mà còn bổ sung cho nhau để tạo ra các sản phẩm chuỗi.
Cùng với đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu còn mở đường chào đón các doanh nghiệp châu Âu mang vốn, mang công nghệ đến lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam; hay đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc ký kết 2 hiệp định này sẽ thay thế cho 21 hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam với các quốc gia châu Âu và sẽ tiếp tục tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam dần phát triển cả về kinh nghiệm, quản trị, thúc đẩy xu hướng quốc tế hóa doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!