Hồ tiêu được giá

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 18/04/2022 13:59 GMT+7

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, hồ tiêu được thu mua với giá khá cao và ổn định.

Xuất khẩu hồ tiêu sang EU khởi sắc

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt được nhiều tín hiệu khả quan từ thị trường. Điều đáng nói, dù số lượng xuất khẩu giảm, nhưng giá trị lại tăng.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 10 năm qua đều có sự tăng trưởng về cả sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đáng chú ý, năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam là trên 285.000 tấn, kim ngạch mang về là hơn 660 triệu USD. Đến năm 2021, lượng xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 260.000 tấn, tuy nhiên kim ngạch lại tăng vọt lên 950 triệu đô la Mỹ, giảm khoảng 9% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị.

Hồ tiêu được giá - Ảnh 1.

Hiện tại, tiêu được thu mua với giá quanh ngưỡng 80.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Ngoài Mỹ là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, các thị trường quan trọng khác như EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo năm 2022, giá hạt tiêu thế giới có những cơ sở để tăng giá do tình trạng mất mùa tại các nước sản xuất chính.

Còn theo Hiệp hội Tiêu Việt Nam, giá tiêu trong năm 2022 dự báo có thể đạt quanh mức 100.000 đồng/kg. Vấn đề đặt ra cho các vùng trồng tiêu trọng điểm là cần có một chiến lược thị trường bài bản để bán hay trữ lại một cách hợp lý, từ đó có khuyến nghị phù hợp với nông dân trồng tiêu.

Hồ tiêu được giá

Giá tiêu nội địa đã từng có những biến động rất lớn vào các năm 2017 đến năm 2020, có thời điểm xuống còn 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, hồ tiêu được thu mua với giá khá cao và ổn định. Hiện tại, tiêu được thu mua với giá quanh ngưỡng 80.000 đồng/kg. Dù đây chưa phải là mức cao kỷ lục, nhưng vẫn đảm bảo có lãi cho người trồng.

Mỗi năm, 2.000 trụ tiêu cho gia đình bà Nguyễn Thị Sương (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) sản lượng từ 14 - 16 tấn hạt tiêu, nhưng chi phí đầu vào như nhân công, phân bón, xăng dầu, vận tải đã chiếm phần lớn lợi nhuận. Tuy nhiên năm nay, bà Sương và nhiều hộ nông dân trong vùng đã vơi bớt lo lắng vì giá hồ tiêu tăng cao không những bù đắp được chi phí đầu tư, mà còn mang lại lợi nhuận đáng kể.

"Năm nay tiêu mất mùa thì được giá. Giá thì tuy không được như mấy năm về trước kia, nhưng tôi nghĩ giá đó là làm ăn đã có lời rồi", bà Nguyễn Thị Sương chia sẻ.

Hồ tiêu Tây Nguyên năm nay bị mất mùa do tác động của thời tiết dẫn đến nguồn cung giảm là một trong những lý do hồ tiêu có được giá tốt. Vì vậy nhiều nông dân trồng tiêu đang kỳ vọng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

"Người dân đang có xu hướng chờ giá lên, bán còn hạn chế Bên đại lý thì thời điểm này cũng đang ít hàng", ông Nguyễn Văn Trường, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, cho biết.

Hồ tiêu được giá - Ảnh 2.

Dù số lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm, nhưng giá trị lại tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Quá trình giãn cách xã hội của các nước tiêu thụ tại Mỹ, châu Âu trong thời gian vừa qua dẫn đến hàng tồn kho của các nước tiêu thụ vẫn còn", ông Nguyễn Văn Quyến, Đại lý thu mua Văn Quyến, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá tiêu khó có thể trở lại mức cao kỷ lục là 200.000 đồng/kg như trước đây, nhưng với mức giá hiện tại, ngành hồ tiêu vẫn có cơ hội sớm lấy lại vị thế xuất khẩu tỷ USD. Vì vậy, ngay trong vụ thu hoạch này, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây nguyên tiếp tục khuyến cáo nông dân quan tâm đến khâu thu hoạch, canh tác theo các chứng nhận và thực hành nông nghiệp tốt để giữ vững chất lượng, giá trị hồ tiêu khi xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng hạt tiêu xuất khẩu

Thực tế cho thấy, sự dịch chuyển thị trường cũng là một yếu tố quyết định về giá. Khi thị trường Trung Quốc có sự sụt giảm, các thị trường quan trọng khác như Mỹ, EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực, đặc biệt là sau khi các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực. Tuy nhiên đó đều là những thị trường khó tính, nên nông dân cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ Thu ở thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai có 5,5 ha hồ tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh, 5 năm gần đây đã được chuyển sang sản xuất theo mô hình hữu cơ - theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua. Không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học được hạn chế tối đa, thay vào đó là các loại phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, kết quả là sản phẩm hồ tiêu của gia đình sẽ được thu mua với giá cao hơn thị trường 30%.

Gia đình bà Thu chỉ là một trong số nhiều thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ và Nông nghiệp Nam Yang, huyện Đăk Đoa sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện hợp tác xã có 80 ha hồ tiêu kinh doanh, đã có trên 40 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước có yêu cầu khắt khe về chất lượng. Diện tích còn lại được sản xuất đại trà, nhưng hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các chất hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Trong khi tại tỉnh Quảng Trị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thay đổi cách làm, nâng cao năng lực chế biến, để đưa hạt tiêu Quảng Trị ra với thị trường.

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị trồng được trên 2.500 ha tiêu. Hạt tiêu Quảng Trị cũng đã được xác lập cấp giấy chứng nhận mở rộng chỉ dẫn địa lý từ 4 xã, lên thành 38 xã, qua đây giúp nâng cao giá trị hạt tiêu, chuẩn bị điều kiện để mở rộng thêm thị trường vào châu Âu .

Thực tế ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ không lo về giá cả và đầu ra khi các đối tác nước ngoài luôn mua với giá cao hơn, so với tiêu sản xuất thông thường. Bởi vậy, cần thúc đẩy chuyển đổi sang canh tác hồ tiêu hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường là con đường tất yếu hiện nay cho nông sản Việt Nam nói chung và hồ tiêu nói riêng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước