Kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh
Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm khá lớn nhưng thực tế con số này không quá bất ngờ khi thời gian này là thời gian dịch bệnh nặng nề nhất, số lượng địa phương thực hiện giãn cách nhiều và thời gian giãn cách dài nhất.
Tính 9 tháng chỉ tăng 1,42% GDP nhưng mục tiêu của năm nay là 6,5%, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải rất cao mới bù đắp phần nào. Đây là thách thức không nhỏ trong khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tác động mạnh tới những "đầu tàu" dẫn dắt tăng trưởng.
Trong quý III/2021, sản xuất công nghiệp giảm 3,5%. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.
Trong quý III/2021, sản xuất công nghiệp giảm 3,5% - mức chưa từng có. 29/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, chủ yếu giảm ở các địa phương thuộc trung tâm công nghiệp phía Nam, cũng là tâm điểm của làn sóng COVID-19 lần thứ 4.
Mức giả sâu của quý III/2021 cũng kéo giảm GDP của 9 tháng còn 1,42%. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74% đóng góp 23,5% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%. Ngược lại, khu vực bị tác động lớn nhất là dịch vụ giảm 0,69%, việc làm giảm hơn 22%.
Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đã đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khá so với cùng kỳ.
Nhu cầu của doanh nghiệp
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng không ít.
Quý IV sẽ là cơ hội khi đến nay các địa phương đang dần khống chế được dịch bệnh, nhiều đầu tàu kinh tế đã tính đến việc mở cửa, phục hồi lại sản xuất. Nhưng phục hồi ra sao, cần điều gì để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại?
Chi phí từ 30%, đến nay sau hơn 2 tháng thực hiện 3 tại chỗ, chi phí của nhiều doanh nghiệp có thể đã tăng lên đến 70%. Trong khi đó, với những tiêu chí của Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh mới đưa ra để hoạt động trở lại bình thường còn chưa phù hợp với sản xuất công nghệ cao như: Mỗi người lao động cách nhau 4m, hoặc yêu cầu người lao động phải đeo kính chắn giọt bắn trong quá trình sản xuất…
Kiến nghị của nhiều doanh nghiệp lúc này chính là được giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhiều hơn trong việc chọn mô hình sản xuất trở lại.
"Giao quyền chịu trách nhiệm về an toàn trong sản xuất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tính toán và chuẩn bị. Bởi họ quản lý cả hàng nghìn tỷ tài sản và bao nhiêu người, vì vậy họ không thể nào đánh đổi điều đó cho sự mất an toàn", ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho hay.
Nếu không nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp cũng sẽ để lỡ cơ hội phục hồi. Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN
Hạn chế giao thương đang khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tê liệt. Với các lĩnh vực như du lịch, hàng không, dịch vụ, khách sạn và nhiều ngành nghề khác, việc mở cửa, đi lại được ngày nào là có dòng tiền, tồn tại được ngày đó và giữ chân được người lao động.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thời gian còn ít, khó khăn thì nhiều, nếu không nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp cũng sẽ để lỡ cơ hội phục hồi.
Chính phủ đã thể hiện rất rõ tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp qua các gói hỗ trợ từ tài chính, chính sách đối với người lao động… nhưng đến nay vẫn thấy ở từng địa phương rất khác nhau, nơi mở, nơi hé, nơi ngập ngừng, thậm chí nhiều địa phương còn ngại việc mở cửa.
"Câu chuyện đó lại quay trở lại vấn đề đã nói từ rất lâu đó là cán bộ quyết định, tức khi có một chủ trương đúng nhưng tùy tình huống từng địa phương để vận dụng. Những cái quan trọng nhất, lãnh đạo địa phương phải nhìn vào toàn cục, không thể chỉ nhìn vào thành tích phòng dịch của địa phương mà nghĩ ra thêm các quy định", ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay.
Dồn sức cho phát triển kinh tế cuối năm không chỉ là câu chuyện của từng doanh nghiệp, mà là nỗ lực của cả nền kinh tế. Vậy từ phía doanh nghiệp, nhà nước có cơ chế kết hợp ra sao cho mục tiêu chung này? Chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia trực tiếp của ông Nguyễn Đức Kiên sẽ có thêm những phân tích, bình luận chi tiết xung quanh vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!