Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 24/03/2020 06:21 GMT+7

VTV.vn - Người lao động và doanh nghiệp "lao đao" vì COVID-19. Giải pháp nào hỗ trợ họ vượt qua thử thách khắc nghiệt này?

Gần 2 tháng nay, dịch COVID-19 đã tác động lớn tới mọi mặt của cuộc sống mỗi người nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 3, ít nhất đã có 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc phải ngừng hoạt động. 47.000 người đã phải nộp đơn xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số doanh nghiệp và người lao động khác may mắn hơn cũng đang phải chịu cảnh sản xuất mà không có đầu ra, dẫn đến một ngày làm, một ngày nghỉ.

Đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế. Từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cho đến các doanh nghiệp lớn cũng đều giảm đáng kể "sức đề kháng" vì dịch. Hơn lúc nào hết, sự sụt giảm thu nhập của người lao động và nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội lại tiếp tục đặt thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bất lợi từ dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất với Chính phủ một số giải pháp liên quan đến chính sách bảo hiểm và tín dụng. Bộ này đề xuất cho 100% doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 2 đến hết tháng 12 năm nay. Với những người lao động bị mất việc được miễn hoàn toàn. Sau thời gian này, doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

Không chỉ tại Việt Nam, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã cảnh báo, nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ có 25 triệu người trên thế giới mất việc nếu các chính phủ không nhanh chóng hành động. Do vậy, chính phủ các nước ngay lập tức tung ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, tập trung chính vào các ngành nghề và người lao động bị ảnh hưởng lớn từ dịch.

Trong gói kích thích trị giá 1.000 tỷ USD, Bộ Tài chính Mỹ đề xuất trợ cấp trực tiếp mỗi hộ gia đình trung bình 3.000 USD, cho vay hỗ trợ ngành hàng không và các doanh nghiệp dịch vụ phải tạm đóng cửa vì dịch. Các chính phủ Anh và Đức cũng có các gói kích thích tương tự. Pháp đang có hàng loạt bước đi mạnh mẽ nhất châu Âu khi tuyên bố cho phép doanh nghiệp nhỏ hoãn chi trả tiền thuê địa điểm, điện, nước, lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, nước này cũng lập quỹ riêng để hỗ trợ một phần lương cho người lao động phải tạm thời nghỉ việc.

Đồng hành cùng chính phủ, không ít doanh nghiệp trên thế giới, dù bị sụt giảm doanh thu từ dịch COVID-19, đã nhanh chóng chủ động các giải pháp hỗ trợ người lao động một cách kịp thời. Các biện pháp hỗ trợ người lao động của giới doanh nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, chính phủ nhiều nước đang chuẩn bị các gói kích thích nền kinh tế.

Dịch bệnh đã làm "sức đề kháng" của doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ từ chính phủ các nước, sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, sự chia sẻ của người lao động sẽ phần nào giảm thiểu những tác động xấu không mong muốn từ dịch bệnh tới nền kinh tế.

Cần nhiều hơn các hỗ trợ 'sát sườn' đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Cần nhiều hơn các hỗ trợ "sát sườn" đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ thực sự cần nhiều hơn nữa những hỗ trợ mang tính "sát sườn" từ các chính sách vừa được ban hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước