Hoàn thành cao tốc Bắc - Nam: Tiền đề quan trọng cho tăng trưởng

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/02/2022 21:20 GMT+7

VTV.vn - Việc hoàn thành và kết nối 2 giai đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam được đánh giá là tiền đề tạo sự liên kết giữa các địa phương, hình thành trục tăng trưởng mới cho kinh tế.

Song song với việc hoàn thành toàn bộ 654 km cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1, Quốc hội cũng đã đồng ý với tờ trình của Chính phủ về việc đầu tư thêm 729 km giai đoạn 2021 - 2025. Toàn bộ giai đoạn 2 được chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.

Việc hoàn thành và kết nối 2 giai đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam, với chiều dài gần 1.400 km, được đánh giá là tiền đề quan trọng để tạo sự liên kết giữa nhiều địa phương; hình thành các trục tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam cả trước mắt cũng như lâu dài.

Hoàn thành cao tốc Bắc - Nam: Tiền đề quan trọng cho tăng trưởng - Ảnh 1.

Toàn bộ dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành năm 2025 để đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. (Ảnh: PLO)

Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được đưa vào khai thác. Trục kết nối cao tốc đường bộ giữa TP Hồ Chí Minh với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã dần hình thành và tạo ra những cơ hội phát triển mới cho các địa phương.

Tiếp nối tuyến cao tốc đường bộ TP Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận, tuyến Mỹ Thuận - Cần thơ sẽ hoàn thành vào năm 2023 và tuyến Cần Thơ - Cà Mau sẽ hoàn thành vào năm 2026, cùng với các trục cắt ngang sẽ tạo ra sự kết nối giữa 13 địa phương, tạo cơ hội phát triển mới về nông nghiệp, thủy sản, du lịch cho khu vực.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến năm 2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 300 km đường cao tốc. Cùng với cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế mới cho khu vực phía Nam đất nước.

"Lấy trọng tâm là sân bay quốc tế Long Thành, chúng tôi sẽ quy hoạch các hệ thống giao thông kết nối với sân bay và kết nối với cả vùng", bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết.

"Đây là ước mơ to lớn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Hiện nay TP Cần Thơ đang xúc tiến điều chỉnh quy hoạch để phát triển kinh tế cho phù hợp", ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay.

Theo nghị quyết của Quốc hội, toàn bộ dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành năm 2025 để đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 147.000 tỷ đồng.

"Việc Quốc hội thông qua chủ trương để chúng ta triển khai giai đoạn 2 để hình thành toàn tuyến có ý nghĩa đặc biệt để kích cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà về lâu dài đây là trục phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, góp phần tăng trưởng kinh tế lâu dài cho đất nước", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận định.

Trong năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là phát triển nhanh hệ thống kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm gắn với kết nối vùng, liên vùng, khu vực quốc tế, qua đó sớm hình thành các vùng kinh tế, tạo động lực tăng trưởng cho đất nước.

Quyết tâm hoàn thành 361 km cao tốc trục Bắc - Nam trong năm 2022 Quyết tâm hoàn thành 361 km cao tốc trục Bắc - Nam trong năm 2022

VTV.vn - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2022, hoàn thành 361 km đường cao tốc trục Bắc - Nam, đưa vào khai thác, sử dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước