Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64%. Đây là mức tăng khá so với khu vực.
GDP quý I năm nay tăng 4,48% và quý II tăng 6,61%. Có được những kết quả khả quan này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp.
Xuất khẩu đã tăng tới 28,4% trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 158 tỷ USD, có đến 25 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Nhìn vào số liệu này có thể thấy, 1 trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế là xuất khẩu vẫn đang duy trì tốc độ tăng tích cực.
Theo các tổ chức quốc tế, mức tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam là rất đáng ghi nhận. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Thể hiện không đứt gãy kết nối với thế giới và đảm bảo thông suốt hàng hóa của chúng ta ra bên ngoài thị trường thế giới. Nhu cầu với hàng nông sản của chúng ta trong thời gian qua vẫn được đảm bảo, xuất khẩu khá cao. Đây chính là điểm tích cực của nền kinh tế qua kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là là 5,64% và 6,6% của quý II/2021", Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định.
Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD, chủ yếu là do nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đây là nỗ lực không nhỏ của cả nền kinh tế trong 6 tháng qua. Tuy nhiên tình hình các tháng còn lại của năm sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, bởi dịch bệnh chưa kịp phục hồi, lại thêm ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4 sẽ càng thêm khó khăn.
Nhiều tổ chức quốc tế có chung nhận định, nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vaccine cho toàn dân. Song song với đó là nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu và hồi phục cho doanh nghiệp cũng như các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.
Khuyến nghị của các tổ chức quốc tế
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mức tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong quý III và quý IV.
Trong đó, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và có những chính sách hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Theo tôi những hỗ trợ nếu có trong thời gian tới cần tập trung cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là những lao động nghèo. Về ngắn hạn sẽ là những hỗ trợ bằng tiền để họ trang trải cuộc sống, còn dài hạn sẽ phải là những cơ hội việc làm và đào tạo nghề", Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries cho hay.
"Để phòng ngừa những rủi ro về lạm phát theo quan điểm của tôi trong ngắn hạn, Việt Nam cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nếu chỉ thúc đẩy nền kinh tế bằng những chính sách tiền tệ, như hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, về lâu dài có thể tới những rủi ro. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam còn rất nhiều dư địa để triển khai các chính sách tài khóa", ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nêu ý kiến.
"Về dài hạn, các doanh nghiệp châu Âu vẫn rất tự tin về triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam. Việc Chính phủ Việt Nam thành lập quỹ vaccine phòng chống COVID-19 là 1 ý tưởng tuyệt vời. Bởi vaccine không dành riêng cho ai, mà toàn bộ người dân Việt Nam đều cần được tiêm vaccine. Chúng tôi cũng hi vọng quy định phải cách ly 3 tuần đối với các chuyên gia của chúng tôi khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được rút ngắn trong thời gian tới", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Jacques Morisset nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!