Năm 2024, TP Hồ Chí Minh vắng bóng các thương vụ chuyển nhượng dự án.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), tình trạng không có dự án nhà ở thương mại được chuyển nhượng trong 11 tháng qua đã cho thấy hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) đang bị "ách tắc". Trong khi đây là nhu cầu thực tế của nhiều chủ đầu tư đang rất cần bán, chuyển nhượng dự án để vượt qua khó khăn, tạo dòng tiền, tái đầu tư...
M&A là nhu cầu rất lớn của nhiều doanh nghiệp để tái cơ cấu đầu tư.
Tình trạng "ách tắc" hoạt động hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) trong 11 tháng qua là do trước đây, tại Khoản 2, Điều 49, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: "Chủ đầu tư chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng". Trong khi đó, tại Khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định: "Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" và phải "đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai đối với Nhà nước của dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng".
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng: "Quy định tại Khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 hiện chưa thật đồng bộ với quy định tại Khoản 3 Điều 39 Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Theo đó, "sau khi đã hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, bên nhận chuyển nhượng kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư chuyển nhượng", trong đó có "nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án" của "chủ đầu tư chuyển nhượng" sẽ bảo đảm không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.
Bởi lẽ, chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước 1 lần (trừ trường hợp điều chỉnh dự án dẫn đến phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung). Do vậy, nếu chủ đầu tư chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tại Khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chỉ cần quy định chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản phải "kế thừa" nghĩa vụ của chủ đầu tư chuyển nhượng để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và việc này không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.
Do vậy HoREA nhận thấy, rất cần thiết tháo gỡ "điểm nghẽn" về hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa khơi thông "ách tắc" cho hoạt động chuyển nhượng dự án, vừa hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và vừa tăng nguồn thu ngân sách nhà nước" - ông Châu cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!