Hội thảo Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hoà giải và trọng tài
Trong thời gian gần đây, việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức, thu hút sự chú ý của xã hội.
Trên thế giới hiện nay, hòa giải thương mại đang trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng. Việc tranh chấp thương mại tại Tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng số lượng vụ án tồn đọng. Trong khi đó, phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và trọng tài có nhiều ưu điểm vượt trội hơn lại chưa thực sự phát huy hết khả năng.
Đặc biệt, việc ra đời của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và hòa giải thương mại đã mở thêm một cánh cửa để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng và tín dụng. Đây là Nghị định đầu tiên về hòa giải thương mại, có hiệu lực từ 15/04/2017, tạo ra khung pháp lý vững chắc cho hoạt động giải quyết tranh chấp tiên tiến này.
Nắm bắt được xu thế, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo này. Hội thảo đề cập đến một trong những vấn đề nóng hiện nay khi tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng và tín dụng đang ngày càng gia tăng. Đây là một diễn đàn chuyên sâu với chủ đề rộng, đề cập đến tất cả các phương thức giải quyết tranh chấp sẵn có cho ngành tín dụng.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành tín dụng và lập pháp trong và ngoài nước như Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC; bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp; ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC; ông Michael Hwang, chuyên gia cao cấp của Tòa án Tối cao Singapore.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC khẳng định, việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cần nhanh, gọn và hiệu quả với cơ chế đặc thù riêng. Ông cũng bày tỏ mong muốn giới thiệu tới các ngân hàng và tổ chức tín dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau như tòa án, trọng tài, hòa giải để dựa vào đó, các doanh nghiệp tài chính ngân hàng có thể lựa chọn cho mình phương thức giải quyết hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!