Hơn 1,83 triệu tỷ đồng của ngân hàng đang đổ vào bất động sản

Thùy An-Thứ ba, ngày 11/05/2021 10:29 GMT+7

VTV.vn - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng tình trạng sốt đất trong thời gian qua không xuất phát từ tín dụng.

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý I/2021, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết tốc độ tăng tín dụng của Quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước, và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.

Hơn 1,83 triệu tỷ đồng của ngân hàng đang đổ vào bất động sản - Ảnh 1.

Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, dư nợ với lĩnh vực bất động sản đang là hơn 1,83 triệu tỷ đồng

Đáng chú ý trong tổng số 9,46 triệu tỷ đồng tổng dư nơ của nền kinh tế thì tín dụng lĩnh vực bất động sản là hơn 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%). Theo. Vụ tín dụng các ngành kinh tế, tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn nhưng tốc độ tăng chậm dần (năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; Quý I/2021 tăng khoảng 3%).

“Như vậy từ số liệu trên cho thấy tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng”, Bộ Xây dựng nhận định trong báo cáo.

Cùng quan điểm với Bộ Xây dựng, trước đó hôm 14/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng tình trạng sốt đất trong thời gian qua không xuất phát từ tín dụng.

“Suốt thời gian qua, NHNN luôn quan tâm và quán xuyến kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro nói chung, đặc biệt đối với tín dụng bất động sản nói riêng. Nên nguyên nhân thị trường bất động sản tăng không phải xuất phát từ tín dụng”, ông Tú khẳng định.

Theo ông Tú, so với cuối tháng năm 2020, tín dụng bất động sản có tăng cao hơn do tác động của dịch COVID-19, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 thì mức tăng của tín dụng bất động sản không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn, như hết tháng 3 năm 2019 thì 5,13%.

Hơn 1,83 triệu tỷ đồng của ngân hàng đang đổ vào bất động sản - Ảnh 2.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Được biết, hiện NHNN đã và đang áp dụng nhiều chính sách nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng nói chung và bất động sản nói riêng. NHNN quy định hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng lên mức 200%; tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ 4 tỷ đồng trở lên.

Các tổ chức tín dụng cũng phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với kinh doanh bất động sản. NHNN cũng yêu cầu bất động sản phải kiểm soát dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu/dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp không vượt quá 5% vốn điều lệ...

Theo phân tích của nhiều tổ chức, cá nhân chuyên ngành thì có hiện tượng nguồn tài chính thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh do dịch COVID-19 khiến hàng loạt cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn đã chuyển hướng sang bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào kênh đầu tư bất động sản.

Sốt đất lắng xuống

Trong báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối Quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Thành phố Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP Hồ Chí Minh (TP. Thủ Đức), Thành phố Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…

Tại đây, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…

Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Hơn 1,83 triệu tỷ đồng của ngân hàng đang đổ vào bất động sản - Ảnh 3.

Theo Bộ Xây dựng tình trạng sốt đất hiện đã tạm lắng

Theo Bộ Xây dựng, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước