Tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu…; tập trung "3 ca, 4 kíp" đẩy nhanh thi công để bù tiến độ ở các dự án đang bị chậm; có chế tài xử lý mạnh đối với nhà thầu yếu kém…. đó là hàng loạt những giải pháp của bộ giao thông vận tải nhằm đầy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT cho biết: "Năm nay có cái đặc biệt không giải ngân tạm ứng mà chỉ giải ngân khối lượng nên chúng tôi phải đẩy nhanh tất cả các khối lượng để đảm bảo giải ngân. Mặt khác chúng tôi tích cực làm bù giá vừa để thúc đẩy giải ngân vừa tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu".
Ngành giao thông vẫn còn hơn 20.000 tỷ đồng cần phải giải ngân theo kế hoạch. Ảnh minh họa.
Giải ngân nguồn vốn ODA cũng từng bước được cải thiện sau khi áp dụng phương án tài khoản đặc biệt. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tương đương với hơn 68% kế hoạch.
"Mình chỉ cần dự trù thôi thì đã gửi thông tin cho Bộ Tài Chính và nhà tài trợ. Sau khi các bên đồng ý sẽ chuyển lượng tiền đó vào tài khoản đặc biệt. Khi có khối lượng thực tế sẽ không phải rút vốn nữa mà chúng ta chỉ cần khối lượng hoàn thành thanh toán được ngay", ông Cao Việt Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Trong chuyến kiểm tra hiện trường các dự án, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: Không còn đường lùi về tiến độ cho các dự án trọng điểm. Vì vậy, Bộ sẽ kiên quyết thay thế những đơn vị, các nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
"Tinh thần này, quyết tâm này cũng phải dụy trì. Vì mục tiêu chúng ta phải hoàn thành các dự án trong điểm, không còn con đường nào khác cả", ông Nguyễn Thanh Duy - Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Giải ngân vốn đầu tư công cả nước 11 tháng qua mới đạt hơn 52% kế hoạch. Hiện vẫn còn 27 Bộ ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đây chính là lực cản rất lớn trong quá trình phục hồi kinh tế và tạo đà tăng trưởng cho nhiều địa phương và nhiều vùng trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!