Hơn 50% điện thoại Samsung bán trên thế giới là sản phẩm "Made in Vietnam"

Thùy An-Thứ hai, ngày 15/05/2023 15:19 GMT+7

VTV.vn - Theo Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022, trong năm 2022, số lượng điện thoại sản xuất ở Việt Nam ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc.

Tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" diễn ra vào sáng nay (15/5), ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện thành công của Samsung tại Việt Nam.

Theo ông Choi Joo Ho, Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh.

Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư liên tục tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hiện nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 là 20 tỉ USD khẳng định Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Hiện tại hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm "Made in Vietnam". Qua đó, Việt Nam đã phát triển nhảy vọt trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu sản xuất điện thoại di động ra toàn thế giới.

Đặc biệt, sau sự góp mặt của Samsung, hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, nơi vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn, trở thành cứ điểm sản xuất chính của thiết bị công nghệ thông tin.

Hơn 50% điện thoại Samsung bán trên thế giới là sản phẩm Made in Vietnam - Ảnh 1.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Hơn thế nữa, với việc Trung tâm R&D của Samsung đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, Samsung đang đặt ra mục tiêu đưa nơi đây trở thành trung tâm R&D hàng đầu không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên phạm vi thế giới.

Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 4 vừa qua cho biết, trong năm 2022, số lượng điện thoại sản xuất ở Việt Nam ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc.

Cũng theo báo cáo trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 57,8 tỷ USD, tăng 1,35% so với năm trước và chiếm 99,67% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.

Về chủng loại, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.

Các doanh nghiệp FDI cần chung tay "bồi đắp cho mảnh đất" nuôi dưỡng mình

Trong xu thế hội nhập toàn cầu thì Việt Nam cũng sẽ không thể năm ngoài các tác động do những biến đổi kinh tế, chính trị trên thế giới gây ra như: như cuộc xung đột Nga – Ukraine, sự cạnh tranh Mỹ - Trung hay quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu…

Ông Choi Joo Ho đã đề xuất 3 nội dung nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.

Thứ nhất, là việc cải thiện môi trường đầu tư. Theo ông Choi Joo Ho, việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục để thích ứng linh hoạt với những biến đổi của môi trường bên ngoài. Và cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là ví dụ điển hình của "những biến đổi môi trường bên ngoài" quan trọng nhất gần đây.

"Sự đối ứng của chính phủ Việt Nam với biến đổi này rất quan trọng. Là một cơ chế được áp dụng bởi tổ chức quốc tế, nên những chính sách cụ thể được đưa ra với sự thỏa thuận của nhiều bên liên quan. Do đó, nếu Việt Nam cũng áp dụng những chính sách này thì có thể loại bỏ đáng kể sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng", ông Choi Joo Ho cho biết.

Thứ hai, là việc thực hiện cam kết và xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp. Lấy dẫn chứng ngay từ câu chuyện giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh việc thực hiện cam kết một cách nghiêm túc giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy sâu sắc lẫn nhau, và hai bên đã hình thành một mối quan hệ mang tính phát triển theo một vòng tuần hoàn tích cực. Đây cũng là kinh nghiệm để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác có thể tham khảo.

Thứ ba, Samsung đề xuất các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam.

"Có thể nói ngay từ giây phút đầu tư vào Việt Nam thì nơi đây đã không chỉ đơn thuần là thị trường đầu tư mà đã trở thành "mảnh đất" nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Và doanh nghiệp cần phải bồi đắp liên tục mảnh đất này thì mới có thể phát triển biền vững được." – ông Choi Joo Ho cho biết.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể chỉ hưởng lợi ích tại Việt Nam rồi rời đi mà các doanh nghiệp cần phải cùng đồng hành và phát triển với người dân Việt Nam trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Người đứng đầu Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết Samsung đang dành cho Việt Nam một khoản ngân sách hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở mức cao nhất trong số các quốc gia Samsung đầu tư, tương xứng với tầm quan trọng của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước