Văn bản được ban hành chính thức sau hơn 1 tuần các công ty chứng khoán đồng loạt ra thông báo ngừng hủy, sửa lệnh tới các nhà đầu tư nhằm đảm bảo an toàn hệ thống giao dịch trên HOSE.
Quản lý hủy, sửa lệnh trong 3 khung giờ cao điểm
Trong văn bản mới gửi đi, HOSE không yêu cầu các công ty chứng khoán ngắt việc hủy, sửa lệnh của nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh yêu cầu các công ty chứng khoán quản lý việc hủy, sửa lệnh trong các khung giờ cao điểm, tránh gây áp lực quá tải xử lý với hệ thống giao dịch: từ 9h15 - 9h25, 11h15 - 13h10 và 14h20 - 14h30 các ngày giao dịch.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng được yêu cầu kiểm soát lỗi 2G, lỗi do phát sinh vi phạm các quy định gửi lệnh lên sàn như: sai phiên, sai bước giá, sửa, hủy lệnh đã khớp, hay sai loại lệnh.
Trong bối cảnh nghẽn hệ thống giao dịch ngày càng căng thẳng do thanh khoản thị trường tăng vọt mấy tháng gần đây, lỗi 2G phát sinh nhiều hơn và chủ yếu do khách hàng hủy, sửa lệnh khi bảng điện lỗi, kết quả giao dịch trả về rất chậm. Theo quy định hiện nay, công ty chứng khoán nếu phạm 100 lỗi 2G/ngày sẽ bị ngắt kết nối giao dịch trực tuyến.
Theo các công ty chứng khoán, 2 yêu cầu của HOSE về an toàn hệ thống được đưa ra, bản chất đều là kiểm soát việc hủy, sửa lệnh.
An toàn hệ thống: Trách nhiệm của công ty chứng khoán?
Trong văn bản mới gửi đi, HOSE không yêu cầu các công ty chứng khoán ngắt việc hủy, sửa lệnh của nhà đầu tư, mà chỉ yêu cầu các công ty chứng khoán phối hợp. Trách nhiệm đã được "gửi gắm" cho các công ty chứng khoán. Nếu công ty chứng khoán không quản lý được, thì trách nhiệm thuộc về công ty chứng khoán. Nếu nhà đầu tư có phản ứng vì không được hủy, sửa lệnh, thì "tội đồ" cũng chính là công ty chứng khoán.
"Tuy nhiên, bảng điện lỗi như thế này, thật không dễ dàng cho công ty chứng khoán", nhiều nhà đầu tư nhận xét.
Trước đó, từ 2/6, nhiều công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn đã đồng loạt thông báo về việc tạm ngừng cho phép hủy, sửa lệnh với một số khung giờ nhất định, sau đó các công ty chứng khoán nhỏ cũng buộc phải áp dụng. Sự đồng thuận này được cho là không đến từ bản thân các công ty chứng khoán.
Lãnh đạo HOSE cho biết, sự vào cuộc của công ty chứng khoán đã giúp cho số lệnh hủy, sửa giảm từ hơn 33,5% xuống còn 18% trong một số phiên giao dịch gần đây và đã để hở ra thêm khoảng 200.000 lệnh trong phiên.
Từ 2/6, nhiều công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn đã đồng loạt thông báo về việc tạm ngừng cho phép hủy, sửa lệnh với một số khung giờ nhất định. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Tuy nhiên, việc không cho hủy, sửa lệnh đã vấp phải sự phản ứng khá gay gắt của cộng đồng đầu tư. Sau 2 phiên lao dốc, chiều qua (9/6), nhiều công ty chứng khoán như VPS, ACBS… đã cho phép nhà đầu tư được hủy, sửa lệnh trở lại.
Chung sống với lỗi hệ thống: Chỉ cần minh bạch thông tin
Các công ty chứng khoán và bản thân nhà đầu tư đều rõ sự cố hiện nay trên HOSE xuất phát từ quy mô giao dịch tăng quá nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp. Trước mắt, cũng không có cách nào khác ngoài chờ đợi hệ thống dự phòng do FPT phối hợp xây dựng, dự kiến sớm nhất có thể bàn giao cho HOSE trong 10 ngày tới. Về lâu dài, hệ thống KRX đã được triển khai cả chục năm qua.
Hiện sẽ không có giải pháp nào có thể "giải cứu" lỗi hệ thống ngay ngày mai, hay trong tuần này. Nhà đầu tư đã phải "sống chung với lỗi" hơn 6 tháng qua và sẽ còn phải tiếp tục.
Trước đó, HOSE cũng đã có nhiều nỗ lực xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật. Vì vậy, từ mức thanh khoản 17.000 - 18.000 tỷ hệ thống đã lỗi, được nâng lên khoảng 22.000 tỷ mới trục trặc. Tuy nhiên, năng lực xử lý của HOSE tăng lên cũng không theo kịp được sự hưng phấn của thị trường.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ sẵn sàng chịu mất chi phí cơ hội, thà bị nghẽn lệnh, tất cả cùng ngừng khi số lượng lệnh đã chạm đến năng lực hệ thống; chỉ cần giao dịch minh bạch, được hủy, sửa lệnh, thấy được giá khớp và bảng giá kịp thời.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng cần được người phụ trách HOSE tôn trọng, lắng nghe. Vì họ là những người đang trả phí giao dịch cho sở này và lỗi hệ thống không xuất phát từ nhà đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!