“Siêu” như nhà đầu tư chứng khoán Việt: Bịt mắt đặt lệnh

Hoài Linh-Thứ ba, ngày 08/06/2021 18:46 GMT+7

VTV.vn - Trục trặc hệ thống giao dịch trong những ngày đầu tháng 6 ngày càng dày đặc đã đưa các nhà đầu tư trên thị trường trở thành "siêu nhân" bất đắc dĩ: bịt mắt đặt lệnh.

Từ tuần trước, bảng giá chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) có khi mất đến 5 phút mới vào hệ thống, tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, hay lag bảng giá nhiều chục phút đồng hồ, bắt đầu trở lại… Lần đầu tiên trên bảng điện, đồ thị VN-Index lên xuống giật cục, được ví như những nấc ruộng bậc thang.

Ám ảnh nghẽn lệnh, nhà đầu tư ào ạt đặt lệnh thị trường

“Siêu” như nhà đầu tư chứng khoán Việt: Bịt mắt đặt lệnh - Ảnh 1.

Tình trạng nghẽn lệnh sẽ còn xảy ra thường xuyên trong tháng 6. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Sau món quà 1/6 dành cho các nhà đầu tư, phiên giao dịch buổi chiều trên HOSE phải ngừng vì hệ thống quá tải, các nhà đầu tư tạm gác lại nỗi băn khoăn trong cơn hưng phấn của thị trường ngay sau đó. Thanh khoản bùng nổ lên một ngưỡng mới xoay quanh mốc 30.000 tỷ/phiên, VN-Index liên tiếp bứt phá chinh phục những đỉnh cao mới, nhưng cũng đến lúc chân phải chạm đất. Hai phiên giao dịch đầu tuần, toàn bộ điểm số tích lũy trong 10 phiên giao dịch gần nhất đã bị "thổi bay".

Tình trạng nghẽn lệnh ngày càng trầm trọng. Thay vì chờ đợi 1 phút, 2 phút, thì 5 - 6 phút lệnh mới vào hệ thống đã trở thành "chuyện thường". Trong khi giá cổ phiếu không đứng yên chờ lệnh. Các nhà đầu tư đành phải đua nhau đẩy vào các lệnh thị trường (MP) khiến xu hướng tiêu cực của thị trường càng gia tăng.

"Thị trường giảm, bảng điện thì lỗi, biết đặt lệnh MP là nguy hiểm, nhưng đâu còn lựa chọn nếu cần bán gấp", anh Giang, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chia sẻ.

Không hủy, sửa lệnh: Đẩy cái khó về phía nhà đầu tư

Món quà "tặng kèm" sau phiên đóng cửa nghỉ nửa buổi 1/6 cho các nhà đầu tư trên sàn HOSE, đó là giao dịch bình thường, nhưng không được hủy/sửa lệnh. Dường như không có văn bản hay yêu cầu nào chính thức được đưa ra từ phía HOSE với các công ty chứng khoán thành viên, nhưng một cách khá đồng loạt, các công ty chứng khoán đã ra thông báo hoặc ngừng hẳn việc sửa/hủy lệnh, hoặc không cho phép nhà đầu tư hủy/sửa lệnh trong những khung giờ cao điểm để đảm bảo giao dịch thông suốt.

Đi đầu trong việc ra thông báo là các công ty chứng khoán trong top 10 thị phần môi giới trên sàn thành phố và một vài ngày gần đây, các công ty chứng khoán nhỏ cũng đã "noi gương".

Theo một số thống kê, động thái này đã làm giảm tỷ lệ hủy/sửa lệnh từ mức bình quân 33,5% xuống còn 10,64% trong phiên thanh khoản sàn HOSE tăng vọt lên 31.300 tỷ đồng. Ước tính, thêm 200.000 lệnh đã được khớp. Tuy nhiên, quyết định này cũng đã khiến không ít nhà đầu tư trả giá, đặc biệt khi thị trường đảo chiều như 2 phiên giao dịch đầu tuần này.

“Siêu” như nhà đầu tư chứng khoán Việt: Bịt mắt đặt lệnh - Ảnh 2.

Thanh khoản bình quân tháng 5 cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, với hơn 100.000 tài khoản mở mới. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Lãnh đạo một số công ty chứng khoán lớn đã lên tiếng cho rằng: "Cả thế giới chắc chỉ sàn HOSE mới có quy định "phi thị trường" này!". Còn nhà đầu tư, họ được yêu cầu thông cảm, chung tay để "giữ gìn sự thông suốt cho thị trường", trong khi đây vốn là trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Nhà đầu tư: Không muốn phải bịt mắt đặt lệnh!

Trước tình trạng giao dịch trên sàn HOSE hiện nay, nhiều nhà đầu tư chia sẻ: "Đầu tư chứng khoán mà chẳng khác nào bịt mắt đặt lệnh!"; "Giao dịch lúc này như trùm chăn chơi đấm bốc!"…Và mong muốn của nhà đầu tư là được giao dịch trên một hệ thống không đơ, không lag, các quyền lợi được tôn trọng.

Tuy nhiên để giao dịch bình thường nhanh, các nhà đầu tư phải chờ đến cuối tháng. Hệ thống giao dịch "dự phòng" do FPT phối hợp với HOSE triển khai đang chuẩn bị được thử nghiệm giai đoạn tiếp theo, có mức tải khoảng 2 triệu lệnh, còn mục tiêu khi hoàn thiện khoảng 10 triệu lệnh.

Trước mắt, như khuyến nghị mới được VDSC đưa ra, tình trạng nghẽn lệnh sẽ còn xảy ra thường xuyên trong tháng 6.

Nhìn lại thị trường, VN-Index đã tăng 17,8%, trong khi VN30-Index đã tăng tới 31,8% kể từ đầu năm. Nhiều cổ phiếu đã tăng bằng lần. Thanh khoản bình quân tháng 5 cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, với hơn 100.000 tài khoản mở mới. Sức hút từ cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường vẫn quá lớn với nhà đầu tư. Vì vậy rủi ro nghẽn giao dịch trên HOSE có đủ lớn để giữ chân nhà đầu tư nằm ngoài thị trường? Không ai có thể cản nhà đầu tư thành "siêu nhân", ngoài chính họ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực

VTV.vn - Việt Nam được ghi nhận là thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong tháng 5, đồng thời được dự đoán lạc quan cả trong ngắn hạn và dài hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước