HSBC: Du lịch sẽ là nguồn tăng trưởng mới trong năm 2023

TTXVN-Thứ hai, ngày 06/02/2023 20:19 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp những khó khăn thương mại trong ngắn hạn, du lịch đã nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới để xoa dịu một số thách thức trong năm 2023.

Tuy nhiên, dữ liệu tháng 1 tiếp tục cho thấy những khó khăn về thương mại và áp lực của giá cả gia tăng. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo Vietnam at a glance do Ngân hàng HSBC công bố ngày 6/2.

Theo HSBC, dữ liệu tháng 1/2023 tiếp tục cho thấy những rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao. Về tăng trưởng, các chỉ số thương mại của Việt Nam tiếp tục xấu đi, mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở dịp Tết. Mặc dù vậy, triển vọng FDI tươi sáng và nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ có thể bù đắp một phần cho một số suy yếu trong lĩnh vực bên ngoài. Trong khi đó, không giống như hầu hết các quốc gia khác trong khu vực, lạm phát tiếp tục gia tăng, với nhiều rủi ro hơn đối với lạm phát cơ bản.

Về tăng trưởng, báo cáo của HSBC nhận định, bất chấp tình hình thương mại đang chậm lại, vẫn có những yếu tố giữ cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng. Du lịch sẽ là một ngành then chốt trong năm 2023.

Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng du lịch quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại phục hồi không mấy sôi động. Mặc dù vậy, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo HSBC, Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%.

Bên cạnh đó, việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là một vấn đề trọng tâm, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ, một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong mảng du lịch quốc tế của Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam hiện cũng đang xem xét nới lỏng thêm chính sách thị thực; trong đó, có cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã nỗ lực mở rộng các cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng khách du lịch.

Về lạm phát, tổng hợp dữ liệu thống kê, HSBC cho biết, lạm phát toàn phần tiếp tục nhích lên trong tháng 1, tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường; trong đó, lạm phát lương thực tiếp tục là yếu tố đóng góp lớn nhất, ở mức 6,1% so với cùng kỳ. Giá các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng lên, chẳng hạn như gạo, thịt gia cầm và trái cây chế biến, do mức tiêu thụ tăng khi đến gần những ngày nghỉ lễ.

Mặc dù giá dầu thế giới vẫn ổn định trong tháng 1, nhưng thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam đối với xăng đã tăng từ 1.000 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, khiến giá xăng bán lẻ trong nước tăng nhẹ. Ngoài ra, lạm phát cơ bản tiếp tục đà tăng, lên 5,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước đang bùng nổ.

Các chuyên gia của HSBC cho rằng, bức tranh về nhu cầu trong nước sẽ hiện lên rõ ràng hơn khi dữ liệu tháng 2 được công bố, song những dấu hiệu ban đầu cho thấy tiêu dùng vẫn đang tăng. Diễn biến này cho thấy, có nhiều rủi ro tăng đối với lạm phát. Vì vậy, cũng là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất. HSBC dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong cả quý I/2023 và quý II/2023, đưa lãi suất điều hành lên 7% vào giữa năm 2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước