Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành mía đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hàng chục nhà máy mía ra đời, phong trào trồng mía nở rộ ở nhiều tỉnh thành nhưng đến thời điểm này, ngành mía đường đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Chưa bao giờ lượng đường tồn kho lại nhiều như hiện nay, với khoảng 480.000 tấn. Để tồn tại các doanh nghiệp sản xuất mía đường đã liên tục giảm giá. Hiện giá xuất xưởng chỉ còn mức 13.000 đồng/kg, giảm khoảng 30%.
Thế nhưng, ghi nhận tại thị trường bán lẻ, giá đường vẫn giữ vững từ nhiều năm qua. Siêu thị thu mua đường trực tiếp từ nhà máy, nhưng giá vẫn hơn 18.000/kg. Còn với các đại lý, cửa hàng bán lẻ thì có giá cao hơn đôi chút.
‘ (Ảnh minh hoạ)
Về phía người tiêu dùng, do đường là mặt hàng thiết yếu nên dù giá cao hay giá thấp, dù muốn hay không họ vẫn phải chấp nhận. Tồn kho nhiều, giá xuất xưởng thấp nhưng giá bán lẻ đến người tiêu dùng vẫn cao. Thực tế này có vẻ đi ngược lại với quy luật cung cầu.
Trong khi đường trong nước tồn kho thì lượng đường nhập lậu trên thị trường ngày một tăng, khiến không ít nhà máy sản xuất đường phải ngừng hoạt động, người trồng mía thua lỗ nặng. Nếu không sớm có biện pháp tháo gỡ thì số nhà máy mía đường ngừng hoạt động sẽ tăng lên từng ngày.
Hơn bao giờ hết, đã đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá, quy hoạch lại ngành mía đường. Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài THVN với ông Lê Văn Tam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội mía đường và GS.TS Nguyễn Đình Bích, chuyên gia kinh tế nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này trong chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần.
Xem cuộc trao đổi tại đây.