Hydrogen mở ra sự phát triển mới cho ngành năng lượng xanh ở Việt Nam

PV-Thứ sáu, ngày 23/02/2024 07:58 GMT+7

Ảnh: Bộ Công thương

VTV.vn - Hydrogen xanh được coi là "chìa khóa" giúp Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Ngày 22/02/2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với các địa phương triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng hydrogen) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/2/2024.

Theo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen Việt Nam được Thủ Tướng Chính phủ duyệt đầu tháng 2, hệ sinh thái năng lượng này phát triển dựa trên điện tái tạo, gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu. Hydrogen xanh được coi là "chìa khóa" giúp Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Tại Hội nghị, các ý kiến tập trung nêu lên sự cần thiết, tầm quan trọng của năng lượng hydrogen trong mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh, đưa phát thải ròng cacbon về "0" vào năm 2050. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc nhanh chóng xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược năng lượng hydrogen, cũng như xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen và tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược, Kế hoạch triển khai Chiến lược chỉ sau 15 ngày Thủ tướng phê duyệt Chiến lược hydrogen.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng với lợi thế đường bờ biển kéo dài kết hợp nắng và gió, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á.

Hiện giá thành sản xuất hydro xanh khoảng 2,5-6 USD một kg và hydro truyền thống là 1-2 USD một kg. Mức giá này cũng gây khó cho quá trình chuyển đổi của ngành điện.

"Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi năng lượng. Trong đó, các nhà máy điện than thuộc EVN sẽ chuyển sang dùng nhiên liệu phối trộn hydrogen. Nhưng giá thành cao, nên đại diện EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện bằng hydrogen, để đảm bảo cạnh tranh với các nguồn điện khác chi phí thấp hơn", ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết.

Chiến lược năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới.

Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hdrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị cùng Bộ, ngành liên quan sửa và đưa ra các quy định phù hợp tình hình phát triển mới. Để triển khai có hiệu quả Chiến lược năng lượng hydrogen, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 165/QĐ-TTg.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước