Tuần lễ Cấp cao Liên Hợp Quốc, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra từ ngày 19 - 26/9 tới. Năm nay tuần lễ nhận được nhiều sự quan tâm bởi thế giới vừa trải qua đại dịch, thiên tai, địch họa ở khắp nơi do biến đổi khí hậu gây ra. Một vấn đề đang được các quốc gia quan tâm đặc biệt và đang đẩy mạnh là chuyển đổi nhanh sang năng lượng tái tạo.
Tại Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ bàn thảo về nhiều vấn đề cấp bách hiện nay của thế giới, trong đó đặc biệt có vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước hiện tượng thời tiết cực đoan vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng "kỷ nguyên ấm lên toàn cầu đã kết thúc, giờ là kỷ nguyên của nóng sôi sục toàn cầu".
Ông Guterres nhận định, thế giới vẫn có thể khống chế sự nóng lên này ở mức tăng 1,5oC so với thời tiền công nghiệp như Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 đã kêu gọi, nhưng phải bằng "hành động khí hậu ngay lập tức và mạnh mẽ".
Để đạt được mục tiêu khí hậu, thế giới cần tăng thị phần của năng lượng tái tạo từ 29% như hiện nay, lên 60% vào năm 2030. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Thời báo New York cho biết các quốc gia đang nỗ lực, nhưng cần sự cải thiện khẩn cấp hơn nữa. Theo thỏa thuận Paris, tới năm 2020, các nước phát thải khí lớn và giàu có cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm từ các nguồn công, tư, nhưng đã qua mốc này, quỹ tài chính khí hậu mới có được 83,3 tỷ USD. Chỉ một phần nhỏ số này dành cho việc thích ứng với thiên tai. Trong khi các quốc gia đang phát triển cần hàng nghìn tỷ USD để chuẩn bị cho biến đổi khí hậu và cải cách.
Các báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy nhiều dự án thích ứng với biến đổi khí hậu đã bị chậm so với mức độ tác động và rủi ro mà hiện tượng này mang lại. Ngoài việc hoạch định chính sách, còn có vai trò lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Trang tài chính của CNN cho biết, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã cam kết phát triển xanh, nhưng năm 2022, họ vẫn đổ tiền vào việc mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Ngành công nghiệp dầu lửa và khí đốt toàn cầu đạt lợi nhuận 4.000 tỷ USD năm 2022, tăng từ mức trung bình 1,5 nghìn tỷ những năm gần đây. Lợi nhuận khổng lồ này có được sau khi khoảng 60 ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới cung cấp khoản tài chính tầm 5,5 nghìn tỷ USD trong khoảng 7 năm qua.
Trong khi trang tin tức của Liên Hợp Quốc cho biết, thế giới cần một khoản tiền khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm (trong 7 năm tới) để đầu tư vào năng lượng tái tạo và để đạt mức khí thải bằng 0 tới 2050. Chỉ cần giảm ô nhiễm, giảm tác động lên khí hậu cũng có thể tiết kiệm cho thế giới số tiền đó. Để làm được việc này, các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính khác cần phải điều chỉnh danh mục cho vay theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Trong bài phát biểu gần đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres cho rằng tất cả các quốc gia cần chuẩn bị kế hoạch chuyển đổi năng lượng, trong đó cần khuyến khích các nhà quản lý của các công ty dầu lửa và khí đốt trở thành một phần của giải pháp ấy. Bởi để đạt được mục tiêu khí hậu, thế giới cần tăng thị phần của năng lượng tái tạo từ 29% như hiện nay, lên 60% vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!