Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực kinh tế phát triển năng động bất chấp bối cảnh ảm đạm, đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới. Đây là nhận định được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong các báo cáo mới nhất về kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là nơi có sự phát triển kinh tế năng động, đóng góp 70% vào sự tăng trưởng toàn cầu nhờ nhu cầu thị trường nội địa gia tăng cho dù đang thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ.
Năm nay, khu vực này được dự báo tăng 4,6%, từ mức 3,8% của năm ngoái và năm tới sẽ đạt 4,4%.
Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, được IMF đánh giá, đã tạo động lực tăng trưởng cho khu vực. Các nền kinh tế khác cũng đang dần hồi phục.
"Việt Nam nên giữ được cân bằng trong thực hiện chính sách để thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát lạm phát và thị trường bất động sản. Như vậy, vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng. Để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, một trong những giải pháp cần thực hiện là thúc đẩy chương trình đầu tư công", ông Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định
Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn bị chi phối bởi tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, vì 6 trong số 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ trong quý 1 vừa rồi là từ các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!