Indonesia huy động nguồn lực doanh nghiệp đẩy mạnh việc tiêm vaccine

Hữu Hưng (PV Đài THVN thường trú tại Singapore)-Thứ năm, ngày 27/05/2021 10:07 GMT+7

VTV.vn - Với sự tham gia của cộng đồng DN vào chương trình vaccine, Indonesia dự kiến sẽ có 70 - 80 triệu người được tiêm chủng ngừa COVID-19 vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các quốc gia đều đang nỗ lực tìm mọi biện pháp để đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine tới toàn bộ người dân. Cộng đồng doanh nghiệp tại Indonesia đã cộng hưởng nỗ lực của chính phủ với việc triển khai chương trình tiêm chủng tư nhân với kinh phí do chính các doanh nghiệp tự chi trả.

Tiêm vaccine cần càng nhanh càng tốt để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây cũng chính là lý do Indonesia đã quyết định huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Chương trình có tên gọi là "Gotong Royong" có ý nghĩa là hỗ trợ song hành: Người dân được cả chính phủ và khu vực tư nhân hỗ trợ tiêm vaccine.

Theo Jakarta Post và nhiều báo khác đưa tin, mọi doanh nghiệp hoạt động hợp pháp tại Indonesia đều có thể tham gia chương trình. Trong đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia là cơ quan đứng ra tiếp nhận đăng ký và điều phối.

Mục tiêu của chương trình là giúp Indonesia sớm hoàn thành mục tiêm tiêm chủng cho 181.5 triệu người dân để đạt miễn dịch cộng đồng.

Indonesia huy động nguồn lực doanh nghiệp đẩy mạnh việc tiêm vaccine - Ảnh 1.

Indonesia huy động nguồn lực doanh nghiệp đẩy mạnh việc tiêm vaccine. Ảnh: EPA

Báo chí thông tin tính đến ngày 23/5 đã có 22.518 công ty đăng ký tham gia chương trình vaccine tư nhân. Các công ty tham gia chương trình sẽ chi trả tiền mua vaccine cũng như chi phí liên quan cho việc tiêm vaccine cho nhân viên và người nhà của họ.

Chính phủ thông báo cụ thể chi phí để tiêm đủ 2 liều cho một người của chương trình tư nhân là khoảng 1 triệu Rupiah (khoảng 1,6 triệu đồng) và được hầu hết các công ty tham gia chấp nhận.

Chính phủ Indonesia định hướng chương trình vaccine tư nhân nhằm vào các công ty có sử dụng nhiều lao động và ở trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.

Indonesia huy động nguồn lực doanh nghiệp đẩy mạnh việc tiêm vaccine - Ảnh 2.

Indonesia dự kiến sẽ có 70 - 80 triệu người được tiêm chủng ngừa COVID-19 vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay. Ảnh: EPA

Một điểm đáng chú ý được phản ánh trên báo chí là chương trình vaccine tư nhân được triển khai với cơ chế minh bạch, đảm bảo rằng nguồn vaccine nhà nước không thể lọt ra ngoài cho chương trình tiêm vaccine tư nhân.

Thứ nhất, Indonesia quy định chương trình tiêm chủng tư nhân không được dùng cùng loại vaccine được triển khai trong chương trình chính phủ. Bước đầu, loại vaccine sử dụng trong chương trình tư nhân là Sinopharm, trong khi chương trình của chính phủ sử dụng vaccine Sinovac Biotech, Novavaz và Pfizer BionTech.

Thứ hai, việc tiêm vaccine của chương trình tư nhân chỉ được thực hiện tại phòng khám y tế tư nhân.

Thứ ba, các công ty phải kê khai số lượng nhân viên và người nhà được tiêm chủng trong chương trình vaccine tư nhân, để tránh việc chồng chéo khi người dân tham gia cả hai chương trình tiêm vaccine của tư nhân và chính phủ.

Với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào chương trình vaccine, Indonesia dự kiến sẽ có 70 - 80 triệu người được tiêm chủng ngừa COVID-19 vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay, hướng tới mục tiêu tiêm chủng được 2/3 dân số, đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 3 năm sau 2022

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước