Italy, Pháp, và Đức đã gửi kiến nghị lên Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị cho phép các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) có quyền phủ quyết việc nước ngoài mua các công ty của liên minh này.
EC sẽ được đề nghị xem xét các vụ chuyển nhượng như thế để xác định xem liệu những vụ chuyển nhượng này là vì lý do kinh tế hay lý do chính trị. Nếu như vậy, điều này sẽ cho phép các quốc gia thành viên sở hữu những công ty được chuyển nhượng cho nước ngoài có khả năng phủ quyết việc mua bán hay sáp nhập, nhất là khi có bằng chứng cho thấy các cổ đông được đề nghị những mức giá quá cao so với bình thường.
Báo La Stampa của Italy trích dẫn bản kiến nghị dài tới 10 trang của Italy, Đức và Pháp gửi cho EC. Theo đó, Berlin, Rome và Paris cho hay họ lo ngại các tập đoàn hay doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sẽ tiếp quản các công ty của châu Âu để thực hiện việc chuyển giao công nghệ và gia tăng thị phần. Một mối lo ngại khác đó là tình trạng thiếu sự tương hỗ có qua có lại, đặc biệt là ở Trung Quốc - nơi các công ty châu Âu chỉ có sự tiếp cận thị trường hạn chế.
Ba nước châu Âu kể trên cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên EU phải báo cáo 6 tháng một lần về việc các công ty của nước họ bị những tập đoàn thuộc một nước thứ ba ở bên ngoài EU mua lại, ngoại trừ những công ty trong ngành quốc phòng, lĩnh vực mà các quốc gia thành viên EU lâu nay đã được trao quyền phủ quyết.
Mối lo ngại việc các tập đoàn Trung Quốc thâu tóm những công ty của châu Âu dường như là có cơ sở. Theo báo cáo của công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young, trong nửa đầu năm 2016, có tới 164 công ty Trung Quốc đã tiến hành tiếp quản các doanh nghiệp châu Âu, so với 183 trường hợp các công ty Trung Quốc mua hay thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu trong cả năm 2015. Một trong những vụ mua bán, sáp nhập đình đám gần đây là vụ doanh nghiệp Midea của Trung Quốc thâu tóm nhà sản xuất robot (người máy) KUKA của Đức.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!