Theo đó, một loạt yêu cầu của các nghị sĩ nhằm hoãn tiến trình Brexit đã không được thông qua. Trong khi đó, yêu cầu được bà May ủng hộ, nhằm thay thế điều khoản "chốt chặn cuối" về biên giới Ireland đã được chấp nhận một cách khá dễ dàng.
Kết quả này cho thấy, sau thất bại lớn trong cuộc bỏ phiếu về thoả thuận trước đó, dường như bà May đã vượt qua những chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, để thúc đẩy "Kế hoạch B". Thủ tướng Theresa May đã khẳng định sẽ tận dụng cơ hội này để nỗ lực đặt ra vấn đề trở lại bàn đàm phán.
"Điều này cho thấy hoàn toàn có thể xây dựng một thoả thuận được đa số nghị viện ủng hộ. Chúng tôi sẽ dựa trên kết quả để tìm kiếm một sự thay đổi mang tính ràng buộc cho điều khoản chốt chặn cuối, trong khi vẫn bảo đảm sẽ không quay lại biên giới cứng với Ireland", Thủ tướng Theresa May nói.
Tuy nhiên, đa số các nghị sĩ cũng đã chấp thuận yêu cầu nhằm ngăn Chính phủ để Anh ra khỏi EU mà không có thoả thuận, gây thêm nhiều áp lực với Thủ tướng Anh về cách thức nhằm tìm kiếm một thoả thuận mới.
Ông Jeremy Corbyen - lãnh đạo Công đảng đối lập cho biết: "Nghị viện đã bỏ phiếu dứt khoát không chấp nhận kịch bản ra đi không thoả thuận Thủ tướng May đã đưa ra. Chúng tôi sẽ chuẩn bị gặp Thủ tướng để đưa ra những quan điểm của mình về thoả thuận này".
Về phía Liên minh châu Âu (EU), tình hình cũng không mấy khả quan. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhắc lại quan điểm của phía EU rằng, họ sẽ không đàm phán lại về thoả thuận, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa Anh sẽ chính thức ra đi thì tương lai của tiến trình Brexit lại tiếp tục đứng trước những kịch bản khó lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!