Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu da giầy phải chạy hàng để đáp ứng cho mùa đông của châu Âu, đòi hỏi những nguyên liệu mang tính đặc thù hơn. Tuy nhiên, Công ty SX - TM - DV Vinh Thông vẫn cho biết, chẳng hạn như đôi giày - chỉ có phần sợi bông là nhập khẩu từ nước ngoài, còn lại đều là nguyên liệu trong nước, tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80%.
Có hàng chục năm kinh nghiệm với hơn 90% sản phẩm giày dép là xuất khẩu sang châu Âu, doanh nghiệp này tự tin với khả năng đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng lợi từ dòng thuế giảm 0% nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu tức EVFTA. Tuy nhiên doanh nghiệp thừa nhận, vẫn có những loại nguyên liệu nhu cầu từ phía châu Âu ngày càng cao nhưng việc sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng.
Theo Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nội địa hóa về mặt bằng chung của doanh nghiệp da giày thực tế chỉ ở mức 30-40%. Nguyên nhân chính là do việc sản xuất hai nguyên liệu quan trọng là da và đế giày vẫn còn manh mún.
Dù vậy Hiệp định EVFTA cũng có cam kết về quy tắc xuất xứ cộng gộp. Ví dụ cụ thể với nguyên liệu vải trong dệt may, nếu được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ nước có Hiệp định thương mại tự do với EU và cả Việt Nam - như Hàn Quốc - thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được xem là xuất xứ hợp lệ.
Điều này mở ra thêm cơ hội, nhưng là cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp có cả sự nhanh nhạy lẫn tiềm lực để thay đổi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, bắt kịp quy tắc xuất xứ.
Giới phân tích cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng EVFTA để nhập khẩu các nguyên vật liệu - đặc biệt là vải - có xuất xứ từ châu Âu với chi phí rẻ hơn, để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình. Đây là cách để tối đa hoá lợi ích, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa thể phát triển trong một sớm một chiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!