1kg hạt tiêu qua xử lý sấy lạnh có giá bán tại châu Âu cao gấp 6 lần so với hạt tiêu đen thông thường. Mất khoảng thời gian 2 năm cùng việc đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, theo một doanh nghiệp, chế biến sâu là hướng bắt buộc, nếu không làm sẽ không thể giữ được cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Góc nhìn từ các đơn vị chuyên xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam từ châu Âu cũng cho thấy, điểm yếu trong cạnh tranh của sản phẩm Việt là khâu chế biến sâu.
Theo nhận định, việc chế biến nông sản thực ra không quá đắt đỏ, quan trọng là doanh nghiệp cần cải thiện năng lực chế biến. Cú hích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ buộc công nghệ chế biến nông sản Việt phải thay đổi tích cực.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của nhóm nông sản chính giảm 7,4%, đạt hơn 15 tỷ USD. Nước ta đặt mục tiêu, đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản đạt 70 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với hiện tại. Do vậy, việc đầu tư vào công nghệ chế biến sâu là đòi hỏi cấp bách hơn bao giờ hết trước những cơ hội cũng như thách thức từ thị trường thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!