Mô hình "khách sạn lợn" là hướng đi mới của Trung Quốc đối với an toàn sinh học cho nguồn cung lợn. (Ảnh: Reuters)
Các doanh nghiệp nước này đang mở rộng mô hình "khách sạn lợn", xây dựng những tòa nhà cao tầng với an ninh nghiêm ngặt và dịch vụ thú y riêng biệt nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mảng chăn nuôi công nghiệp cũng được tăng cường, với 57% sản lượng hiện được cung cấp bởi các doanh nghiệp lớn.
Mô hình "khách sạn lợn" là hướng đi mới của Trung Quốc đối với an toàn sinh học cho nguồn cung lợn - loại thịt chính trong khẩu phần ăn của quốc gia 1,4 tỷ dân - được bảo vệ khỏi các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.
Những trang trại “khách sạn lợn” thẳng đứng khổng lồ này được xây dựng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà các nhà cung cấp lớn ở nhiều quốc gia khác đã sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch. Những trang trại này có sức chứa lên tới 10.000 con/trang trại.
Trang trại nuôi lợn theo mô hình nhà cao tầng tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát dữ dội ở Trung Quốc vào năm 2018. Trong vòng 1 năm, một nửa trong số đàn lợn hơn 400 triệu con của quốc gia này bị xóa sổ, nhiều hơn tổng số đàn lợn của Mỹ và Brazil cộng lại, khiến giá cả tăng vọt và nhu cầu nhập khẩu thịt lớn chưa từng có.
An ninh lương thực trở thành ưu tiên hàng đầu. Khi giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, Chính phủ Trung Quốc đã phải mở kho dự trữ nguồn thịt lợn đông lạnh khẩn cấp để hạ nhiệt giá. Ngoài ra, các chính sách nông nghiệp mới cũng được ban hành nhằm dịch chuyển hoạt động chăn nuôi trang trại truyền thống sang hương công nghiệp hiện đại.
Đến nay, đà phục hồi lợn hơi tại Trung Quốc đang nhanh hơn dự đoán, do các siêu trang trại không ngừng tăng công suất chăn nuôi. Thậm chí, giá thịt lợn hơi giảm thấp đến mức chạm ngưỡng cảnh báo mới của chính phủ, buộc nhà chức trách phải tiến hành thu mua thịt lợn vào kho dự trữ để bình ổn giá thị trường.
Dù vậy, mối đe dọa từ virus tả lợn châu Phi vẫn tồn tại, với 11 cụm dịch bùng phát trong 6 tháng đầu năm 2021 khiến hơn 2.000 con lợn bị tiêu hủy. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, sự xuất hiện của các chủng virus mới gây triệu chứng nhẹ hơn, thời gian ủ bệnh lâu hơn và đang làm phức tạp các nỗ lực phát hiện và ứng phó dịch.
Ở các nước phát triển, chăn nuôi lợn được thống trị bởi các trang trại lớn. Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan là những quốc gia có tiêu chuẩn an toàn sinh học tốt nhất thế giới khi chưa từng ghi nhận đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi nào trong những năm gần đây.
Do vậy, Trung Quốc đang cố gắng cải thiện tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp của mình. Từ năm 2020, khoảng 57% nguồn cung thịt lợn Trung Quốc đến từ các trang trại có khả năng cung cấp hơn 500 con mỗi năm. Trước khi dịch bùng phát năm 2018, chỉ khoảng 1% nguồn thịt lớn đến từ các nhà cung cấp lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!