Vắng bóng du khách quốc tế, tình hình kinh doanh tại khu vực phố cổ, phố cũ của Hà Nội trở nên ảm đạm. Các cửa hàng trước đây kinh doanh hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống, các sản phẩm đặc sản đóng cửa, gỡ biển hiệu, chờ sang nhượng, hoặc trả mặt bằng. Khu vực "vàng" trong kinh doanh thương mại của Hà Nội bỗng trở nên vắng vẻ.
Không tìm được khách thuê, nhiều chủ nhà phải bỏ mặt bằng không hàng tháng. Các dãy phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt, Tạ Hiện… vốn có nhịp sống sôi động từ sáng đến đêm khuya tiếp tục rơi vào trạng thái đìu hiu.
Ông Nguyễn Văn Quế, một chủ nhà ở phố Đinh Liệt cho biết, từ đầu năm ngoái tới nay đã có 3 khách đến thuê để kinh doanh, sau đó phải đóng cửa hàng vì thua lỗ.
"Khách thuê thứ nhất đầu tư quán cà phê, khi dịch COVID-19 bùng phát phải đóng cửa gần 1 tháng, khách hàng thưa thớt đã phải chuyển nhượng cửa hàng. Khách hàng thứ 2 nhận chuyển nhượng cửa hàng sau 3 tháng kinh doanh cũng lỗ và đóng cửa hàng. Cuối năm vừa rồi, khách thuê thứ 3 mở được hơn 1 tháng thì dịch bệnh lại bùng phát, cửa hàng lại phải đóng" - ông Quế kể.
Khu vực phố cổ, phố cũ của Hà Nội chủ yếu là dịch vụ phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi dịch bệnh bùng phát lượng khách quốc tế không có, khách nội địa cũng giảm thì các cửa hàng khó duy trì được khi giá mặt bằng thuê khá đắt. Các chủ nhà đã giảm giá thuê và thay vì thu tiền 6 tháng hay 1 năm đã thu tiền thuê 3 tháng một lần hỗ trợ khách thuê nhưng lượng khách vắng nên kinh doanh vẫn khó khăn, ông Quế cho biết thêm.
Ngoài khu vực kinh doanh dịch vụ, các khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội cũng điêu đứng cả năm nay vì dịch bệnh và sang năm 2021 vẫn trong trạng thái cầm cự. Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Dầu, Hàng Bạc vốn nổi tiếng là phố tập trung nhiều khách sạn và dịch vụ phục vụ khách nước ngoài, nay còn rất ít khách sạn hoạt động với công suất phòng đạt dưới 25%.
Các khách sạn khu vực phố cổ, phố cũ của Hà Nội đã đồng loạt giảm giá thuê phòng tới 80%, dao động còn 200.000-400.000 đồng/phòng/đêm nhưng không hiệu quả. Chi phí đội lên cao, khách sạn không có doanh thu, nhiều khách sạn buộc phải cho nhân viên nghỉ bớt, chỉ giữ lại một người kiêm nhiều nhiệm vụ, có khách sạn đóng cửa luôn khi càng hoạt động càng lỗ.
Dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp đang tiếp tục "tàn phá" khu vực dịch vụ, cho thuê mặt bằng, kinh doanh lưu trú khu vực phố cổ, phố cũ Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế nên phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giảm mạnh trong năm 2020 (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019). Công suất thuê phòng khách sạn bình quân trong cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 30-40% (giảm mạnh so với năm 2019). Giá cho thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường cũng giảm nhiều chỉ đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!