Một số khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống phân khúc hạng B, thậm chí mục tiêu là tìm kiếm tòa nhà có chi phí thuê thấp hơn.
Một ngân hàng vừa cắt giảm hơn 1.000 m2 sàn văn phòng tại tòa tháp có vị trí đắc địa ở Quận 1, tiết kiệm cả chục tỷ đồng mỗi năm. Nếu chỉ áp giá thuê mỗi m2 văn phòng trung bình trên thị trường TP.HCM trong quý II là 35 USD một tháng (hạng A lên đến 50-60 USD mỗi m2 một tháng), ngân hàng trên sau khi trả lại mặt bằng có thể tiết kiệm được 38.500 USD/tháng, tương đương gần 900 triệu đồng.
Thị trường văn phòng cho thuê “ế ẩm” vì dịch.
Thông thường, các tòa tháp tọa lạc tại khu trung tâm thành phố chỉ ký các hợp đồng thuê dài hạn. Do đó, nếu tính theo năm, ngân hàng cắt giảm ít nhất hơn chục tỷ đồng chi phí mặt bằng từ quyết định thu hẹp văn phòng.
Diễn biến này khác với cách đây 7 - 8 tháng, thời điểm COVID-19 chưa xuất hiện, giá thuê văn phòng tại quận 1, TP HCM vẫn còn neo cao. Tỷ lệ trống không quá 5% cũng như rất khó tìm ra tòa tháp văn phòng còn thừa diện tích 1.000 m2 sàn trở lên.
Trường hợp cắt giảm diện tích mặt bằng kinh doanh không phải là cá biệt tại riêng khu trung tâm TP. HCM. Tại Hà Nội, một toà cao ốc văn phòng hạng A, 30 tầng nằm tại ngay trung tâm Thủ đô, theo chia sẻ của đơn vị kinh doanh, lượng khách thuê mới giảm 30% từ sau giãn cách xã hội.
Đặc biệt, hơn một nửa khách thuê của đơn vị là doanh nghiệp nước ngoài. Giãn cách xã hội khiến giao thương kinh tế gặp nhiều khó khăn. Khi không thể cải thiện doanh thu, lợi nhuận kém khả quan, một trong những cách thiết thực nhất hiện nay là giảm ngân sách thuê văn phòng để tiết kiệm chi phí. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, đối với các toà nhà hạng A, họ sẽ giảm diện tích, dịch chuyển xuống các toà nhà hạng B, hạng C, hoặc các toà nhà có chi phí thuê thấp hơn. Với những khách hàng đang ở toà nhà có chi phí thấp, thậm chí phải dịch chuyển ra các toà nhà xa hơn ở ngoại thành, hoặc đến căn hộ, nhà dân để thuê, nhằm tối ưu hoá chi phí.
Theo CBRE Việt Nam, ước tính có tới 17.000m2 văn phòng Hà Nội bị dư thừa trong quý II, trong đó chủ yếu là văn phòng hạng B. Do sự thu hẹp của khách thuê, tỷ lệ trống của văn phòng hạng A tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước, lên mức 7,6%. Trong khi, tỷ lệ trống của văn phòng Hạng B tăng 1,7 điểm phần trăm, lên mức 11%. Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết: "Tỷ lệ trống gia tăng lên và không có nguồn cung mới, cho thấy 1 số khách thuê đã phải tiến hành đóng cửa tạm thời hoặc giảm diện tích thuê.
Thị trường văn phòng cho thuê “ế ẩm” vì dịch.
Cùng quan điểm, ông Trần Hoài Linh, Tổng giám đốc VNO Group cho hay, ngay cả các nhóm khách thuê trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính từng được mệnh danh là "chịu chơi" sẵn sàng bạo chi để thuê cho bằng được văn phòng V.I.P với vị trí đắc địa cũng đang phải cắt giảm. Thậm chí, họ trả lại những văn phòng chi nhánh trên các khu tứ giác vàng giữa lòng thành phố.
Thị trường văn phòng cho thuê “ế ẩm” vì dịch.
Thông thường, nhóm khách thuê được xếp vào hàng đại gia này chỉ chuộng diện tích mặt bằng ở tầng trệt của các tòa tháp văn phòng tại Quận 1 để các hoạt động kinh doanh, giao dịch, tiếp xúc khách hàng thuận lợi hơn, đồng thời dễ nhận diện thương hiệu hơn. Tuy nhiên, khi triển vọng kinh doanh kém đi và tiềm ẩn nhiều bất ổn, mọi khách thuê văn phòng đều chuẩn bị phương án linh hoạt để tồn tại trong giai đoạn khó đoán này.
Làn sóng cắt giảm diện tích văn phòng dẫn đến hệ quả là những chủ tòa nhà gặp khó khi tìm khách thuê mới, do đó họ buộc phải "xuống thang" để giữ chân khách hàng. Nếu trước đây, các hợp đồng thuê thường có kì hạn 3-5 năm và trung bình tăng giá 8-10% mỗi m2 một năm, nay chủ tòa nhà gần như mất dần lợi thế này. Đặc biệt, trong bối cảnh, nửa cuối năm, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ đón thêm các dự án lớn với tổng diện tích mới đạt 160.000 m2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!