Đây là lần đầu tiên, những trái vải tươi từ Thanh Hà, Hải Dương được đưa vào giới thiệu tại thị trường Kuwait. Mảnh đất Vùng Vịnh, tập quán ăn uống nhiều khác biệt, ít rau củ quả, chủ yếu là thịt, nhưng nay, thói quen ấy đang ngày càng thay đổi.
"Quả vải Việt Nam thực sự đặc biệt. Có thể do độ ẩm, khí hậu của các bạn, hương vị của nó khác hẳn so với vải các nước khác", ông Ahmad Nedal Al-Sayed Omar, Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu Asbar, Kuwait, nói.
Doanh nhân Ali Alsayegh đam mê với nông sản Việt Nam từ nhiều năm nay. Từng tự đầu tư, xây dựng riêng một cổng thông tin điện tử cho hàng Việt bằng tiếng Arab, theo ông, với ngôn ngữ, đặc tính tương đồng của các thị trường Vùng Vịnh, hàng Việt nếu đã khai phá được một thị trường, thì cánh cửa vào thị trường khác cũng rộng mở.
Sơ chế vải xuất khẩu tại một nhà máy ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TTXVN)
"Kuwait là một thị trường có tiêu chuẩn cao. Nếu hàng hóa nào thâm nhập được vào thị trường này, tôi dám đảm bảo nó cũng sẽ được chào đón tại Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Oman hay các nước Vùng Vịnh khác", ông Ali Alsayegh, Công ty Xuất nhập khẩu Global Gate, Kuwait, nhận định.
"Chúng tôi hiện đã thiết lập một văn phòng thu mua tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những sản phẩm, nếu thấy được đón nhận, chúng tôi sẽ tính toán nhập khẩu, rồi phân phối tại tất cả các siêu thị của mình ở Vùng Vịnh, không chỉ mình Kuwait", ông Mohamed Haris, chuỗi siêu thị Lulu Group International, Kuwait, cho biết.
Hiện tại Vùng Vịnh, chanh không hạt hay thanh long Việt Nam đã tạo được chỗ đứng. Trái vải còn gặp bất lợi cạnh tranh, do vận chuyển khó khăn hơn. Vì vậy giá thành bị đội lên cao, nếu so với vải Thái Lan, Trung Quốc hay Nam Phi, nhưng không phải không có hướng đi.
"Quả vải Việt Nam khác so với vụ mùa thu hoạch của Thái Lan, Nam Phi hay của Madagascar cách đây độ vài tuần, đây là thời điểm chúng ta có lợi thế. Thực sự quả vải Việt Nam ở thời điểm này nó rất là ngọt và có chất lượng. Nếu như phù hợp với thói quen tiêu dùng và phù hợp với khẩu vị của họ thì không lý gì chúng ta không thể đem được quả vải sang bên này", ông Ngô Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, đánh gia.
Những thị trường như Kuwait, hay Vùng Vịnh và cả Trung Đông nói chung có cộng đồng người Việt không lớn, đây chính là bất lợi cho khả năng tiêu thụ các nông thực phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên khai phá các thị trường này cũng là phép thử cần có để những nông sản và thực phẩm Việt Nam có thêm sự tự tin, cũng như kinh nghiệm để tiến vào những thị trường mới, còn nhiều tiềm năng trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!