Khan hiếm nguyên liệu tại châu Âu đang thúc đẩy thu gom tái chế đồng nát, ve chai, phế liệu. Doanh nghiệp xử lý rác thải tại châu Âu bỗng dưng ăn nên làm ra, do nguồn cung nguyên liệu thô từ châu Á bị gián đoạn.
Tờ Corriere della Sera ra tại Italy lên tiếng báo động khan hiếm nguyên liệu thô. Nhiều nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm, xe hơi... vừa bắt đầu hoạt động trở lại sau đại dịch đã phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Hầu như tất cả các nguyên liệu thô đều không có sẵn và rất đắt.
Chuỗi cung ứng nguyên liệu từ châu Á đang rối loạn, nếu chuyên chở được sang châu Âu cũng tốn kém hơn trước rất nhiều. Tờ Jornal de Negocios của Bồ Đào Nha viết: "Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng tăng tốc tái chế rác thải, lý do là nhu cầu nguyên liệu thô không được đáp ứng kịp thời".
Khan hiếm nguyên liệu tại châu Âu đang thúc đẩy thu gom tái chế đồng nát, ve chai, phế liệu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Do khan hiếm nguyên liệu, giá trị rác thải đang tăng vọt, theo một bài dài trên tờ Le Soir của Bỉ. "6 tháng qua, giấy báo cũ đã tăng giá gấp đôi, vỏ chai nhựa đã qua sử dụng tăng 80%".
Bài báo nhấn mạnh: "Xu hướng tăng giá đặc biệt rõ nét đối với những chất liệu dùng để sản xuất bao bì đóng gói hàng hóa. Nhu cầu bìa carton bùng nổ trong một thị trường giấy vốn đã khan hiếm. Đợt dịch vừa qua, người tiêu dùng mua hàng qua mạng nhiều hơn, tạo ra nhiều rác giấy carton và vỏ hộp kim loại, quy trình chống dịch cũng thải ra nhiều đồ nhựa dùng một lần. Các doanh nghiệp xử lý chất thải nay phấn khởi vì bán được chất liệu tận dụng với giá cao. Tái chế rác thải luôn cần vốn để đổi mới công nghệ, vì khách hàng mua nguyên liệu tái chế ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Giờ là lúc thuận lợi để gọi vốn trên thị trường tài chính".
Hầu như mọi loại vật liệu thu gom từ rác thải lúc này đều đang được giá. Bìa carton và rác nhựa chất đống từ đầu đại dịch đang được tái chế tối đa. Với nhiều loại rác thải khác như: sắt thép, nhôm nát, đồng vụn... tốc độ tái chế gia tăng theo tốc độ lên giá nguyên liệu.
Tờ Luxemburger Wort viết: "114 vỏ lon đủ nguyên liệu sản xuất khung một chiếc xe đạp, vỏ nhôm viên nén cà phê biến thành bút máy hay xe đạp, chai nhựa dùng sản xuất ghế xe hơi".
Thực tế cho thấy, bối cảnh rối loạn cung ứng hiện nay lại đang thúc đẩy công nghiệp xử lý rác thải, tăng tỷ lệ tái chế, giảm ô nhiễm môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!