Với chất xúc tác từ đại dịch COVID-19, thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ nên các chuỗi cà phê cũng phải thích ứng. Điểm đặc biệt ở đây là Starbucks vốn có tiếng trong giới kinh doanh là một thương hiệu khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Cú bắt tay hợp tác với một công ty fintech Việt cho thấy: ngay cả "ông lớn" quốc tế cũng đang phải chấp nhận "luật chơi" mà thị trường thanh toán số Việt Nam đặt ra.
Gần 10 năm chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt và thẻ ngân hàng tại Việt Nam, nay thương hiệu chuỗi cà phê lớn nhất thế giới đã chấp nhận dịch vụ ví điện tử của một doanh nghiệp nội. Bước đi nằm trong chiến lược chuyển đổi số mà thương hiệu đang đẩy mạnh tại thị trường Việt Nam.
Bà Patricia Marques, Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam, cho biết: "Năm 2022 là năm mà chúng tôi tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số. Xa hơn, chúng tôi có kế hoạch mở những cửa hàng không tiền mặt tại Việt Nam nhưng sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như việc lựa chọn địa điểm".
Việt Nam hiện có 4 công ty công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD thì đã có 2 công ty làm thanh toán điện tử với độ phủ lên đến hàng chục nghìn điểm bán lẻ. Theo các báo cáo mới, sau dịch, có hơn 75% người Việt sử dụng ví điện tử để thanh toán còn giá trị thanh toán qua thiết bị đi động cũng tăng hơn 80%. Những con số khiến ngay cả gã khổng lồ bán lẻ không thể làm ngơ.
Theo các đơn vị hỗ trợ chuyển đổi số, nhu cầu của doanh nghiệp tại Việt Nam muốn chuyển đổi lên thương mại điện tử đã tăng 80-100% mỗi năm khi đại dịch xảy ra.
Với các fintech, việc được tích hợp vào hệ thống của các thương hiệu bán lẻ toàn cầu không chỉ đơn giản là phát triển dịch vụ thanh toán, mà còn hướng đến cung cấp các giải pháp tài chính khác như tín dụng, mua trước trả sau cho một tệp người dùng lớn.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Tổng Giám đốc MoMo, cho biết: "Các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, họ hiểu là khi đến Việt Nam, muốn thực sự thâm nhập vào thị trường thì không chỉ chấp nhận thẻ tín dụng vì tỉ lệ này vẫn còn hạn chế. Họ sẽ phải suy nghĩ một cách "địa phương" hơn bằng việc hợp tác với các công ty thanh toán địa phương. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định một thương hiệu thanh toán nội địa có thể mang lại giá trị".
McDonalds, Burger King hay Starbucks đều mở rộng khá chậm so với kế hoạch khi vào thị trường Việt Nam do thói quen khác biệt của người tiêu dùng. Các thương hiệu này sau đó đều ít nhiều thay đổi, như bản địa hóa thực đơn để hút khách. Khi thời đại công nghệ phát triển, dịch vụ số cũng là một công cụ để đến gần hơn với người dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!