Tại buổi Họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 diễn ra vào sáng nay (15/9), báo chí có đặt câu hỏi về việc Quốc hội có kế hoạch giảm thuế phí đối với xăng dầu khi mà Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV sắp diễn ra?
Trả lời về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào giá xăng dầu thế giới.
“Bám sát giá xăng dầu thế giới để đánh giá tác động giảm hay điều chỉnh các chính sách thuế”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, nếu giá dầu thô tăng ngưỡng 110-120 USD/thùng như thời điểm trước đây, chắc chắn Chính phủ sẽ cân nhắc phương án trình Quốc hội giảm hai sắc thuế trên đối với xăng dầu.
Trước đó trong thẩm quyền, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết để giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Việc giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, ngoài các sắc thuế, cũng cần xem lại các yếu tố cấu thành của giá xăng dầu để điều chỉnh hay sử dụng quỹ bình ổn thế nào để công khai minh bạch để làm sao để giá xăng dầu ổn định, giá thành rẻ.
Ông Thanh cho biết vừa qua Bộ Công Thương thực hiện các rà soát liên quan đến hoạt động cung ứng xăng dầu, đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều doanh nghiệp cung ứng xăng dầu vi phạm.
Gần đây nhất, trong kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8, đã giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Bên cạnh đó là sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
“Không thể đưa ra giá đất làm thoả mãn mọi đối tượng”
Liên quan đến việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất, báo chí có đặt câu hỏi giải pháp để giá đất sát với giá thị trường?
Trả lời câu hỏi này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết hiện Chính phủ đã gửi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sang Quốc hội.
Theo ông Thanh, Nghị quyết 18 của Trung ương đặt ra vấn đề bỏ khung giá đất, và giá đất địa phương hình thành trên bảng giá đất yêu cầu khách quan quan độc lập, sát giá thị trường. Hiện nhiều hội thảo đã được tổ chức để nghe tham vấn các nhà khoa học. Ông Thanh nhấn mạnh đây là vấn đề khó vì giá đất tác động tới nhiều đối tượng trong xã hội.
“Ví như nếu nâng bảng giá đất, khi thu hồi đất, người dân sẽ được hưởng quyền lợi cao hơn, khiếu nại sẽ giảm. Tuy nhiên chi phí khiến doanh nghiệp bồi thường nhiều hơn, sau này tiền thuê đất, tiền sử dụng đất sẽ tăng lên. Cho nên bài toán đưa ra bảng giá đất thế nào là vấn đề khó, cần nhìn thấu đáo nhiều chiều”, ông Thanh cho biết.
Ông Thanh cũng đưa ra vấn về như nếu bỏ khung giá đất thì 2 địa phương giáp ranh xử lý thế nào? Có thể xảy ra tình trạng bên giá cao, còn bên cạnh giá thấp.
“Con đường đi qua 2 tỉnh nhưng có thể nơi có tiền đền bù 2 tỷ, còn nơi không có thì 1 tỷ trong khi cả hai là hàng xóm của nhau do đó cần xử lý vấn đề này", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lấy ví dụ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng đây là vấn đề cần tiếp tục cùng các cơ quan có liên quan xử lý hài hoà chứ không thể đưa ra giá đất làm thoả mãn mọi đối tượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!