Khi nào nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi hoàn toàn?

TTXVN-Thứ ba, ngày 19/05/2020 08:05 GMT+7

Các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa ở Thái Lan được phép hoạt động trở lại từ ngày 17/5 trong giai đoạn 2 nới lỏng phong tỏa. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Nền kinh tế toàn cầu sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi hoàn toàn sau cú sốc dịch COVID-19, trong khi nguy cơ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ rình rập.

Trên đây là nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 18/5.

Theo bà Georgieva, nhiều khả năng IMF sẽ giảm dự báo mức suy thoái 3% trong năm 2020, và nền kinh tế thế giới sẽ chỉ phục hồi một phần trong năm 2021, thay vì dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 5,8% như dự báo ban đầu.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, Tổng Giám đốc Georgieva cho biết các số liệu từ khắp thế giới đang xấu hơn dự báo. "Điều đó đồng nghĩa là sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi hoàn toàn khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay". Tuy nhiên, bà không đưa ra một thời điểm cụ thể nào cho sự phục hồi này.

Hồi tháng trước, IMF đã dự báo việc các doanh nghiệp phải đóng cửa và các nước áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể đẩy thế giới rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước. Đầu tháng này, bà Georgieva cho biết các số liệu được ghi nhận sau đó đem đến "tin tức còn tồi tệ hơn".

Theo kế hoạch, IMF sẽ công bố dự báo toàn cầu mới vào tháng Sáu tới.

Trong một diễn biến khác, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết, nền kinh tế số một thế giới đang phát đi "những tín hiệu đáng khích lệ" và không cần thêm một gói chi tiêu nào nữa để chống suy thoái.

Trả lời phỏng vấn của CNBC, ông Hassett cho biết: "Nếu nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, thì có thể chúng ta sẽ phải đưa thêm tiền mặt vào lưu thông và chúng tôi sẵn sàng thảo luận với quốc hội về việc này. Tuy nhiên, hiện nay cần theo dõi các số liệu".

Dẫn các số liệu của các công ty tư nhân cung cấp cho chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Hassett khẳng định nền kinh tế Mỹ đang có "nhiều dấu hiệu đáng khích lệ".

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 2.900 tỷ USD, tương đương 14% GDP Mỹ, để chi cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và các chính quyền địa phương chống dịch. Ngày 15/5 vừa qua, Hạ viện đã thông qua gói cứu trợ kinh tế lớn nhất từ trước tới nay, tổng trị giá 3.000 tỷ USD, tuy nhiên ít khả năng gói cứu trợ này vượt qua được "cửa ải" Thượng viện.

Trong một diễn biến mới nhất, các chỉ số chứng khoán Phố Wall đã nhảy vọt trong phiên giao dịch sáng 18/5 (giờ Mỹ), sau khi có thông báo tích cực về kết quả thử nghiệm vaccine. Trong 15 phút đầu, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 3,3%, lên 24.462,19 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 2,8%, lên 9.202,57 điểm. Trước đó, Công ty Công nghệ sinh học Moderna, có trụ sở tại thành phố Boston (Mỹ) cho biết vaccine mRNA-1273 thử nghiệm phòng COVID-19 của họ đã cho thấy "nhiều hứa hẹn" trong các cuộc thử nghiệm ban đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước