Khó lường thị trường năng lượng toàn cầu 2023

VTV Digital-Thứ ba, ngày 20/12/2022 11:12 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế toàn cầu năm tới sẽ dự báo gặp nhiều khó khăn, vì vậy thị trường năng lượng vẫn còn nhiều biến số khó lường.

Diễn biến giá dầu Brent năm 2022

Thùng dầu tiếp tục là tâm điểm chú ý của 2022 khi mọi người nói nhiều tới từ khoá "khủng hoảng năng lượng". Biểu đồ thể hiện giá dầu Brent được chuyên trang tài chính CNBC tổng hợp có thể thấy, giá vàng đen đã phục hồi từ đầu năm sau khi thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch.

Khó lường thị trường năng lượng toàn cầu 2023 - Ảnh 1.

Biểu đồ thể hiện giá dầu Brent được chuyên trang tài chính CNBC tổng hợp.

Nhưng sự kiện "thiên nga đen" - xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24/2 đã khiến giá dầu tăng vọt từ mức khoảng 98 USD lên mức kỷ lục được ghi nhận trong phiên là khoảng 140 USD trước khi chốt phiên về gần 130 USD/thùng.

Hiện giá dầu đang ở mức quanh 80 USD, tức bằng so với hồi đầu năm.

Chính sách sản lượng dầu Nga năm 2023

Sự biến động của giá năng lượng dự báo sẽ còn phức tạp khi phương Tây đã nhất trí cấm nhập khẩu và áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga từ ngày 5/12 vừa qua. Điều này khiến giá vàng đen lại đang tăng giá nhanh trở lại.

Các chuyên gia dự đoán sản lượng dầu Nga sẽ giảm 2 triệu thùng mỗi ngày vào cuối quý I/2023, mặc dù đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Điều này cũng như tuyên bố của Tổng thống Putin, Nga có thể cắt giảm sản lượng và triển khai các biện pháp ứng phó với mức giá trần dầu mỏ của Phương Tây.

Động thái áp giá trần của phương Tây khiến các nhà sản xuất Nga sẽ phải tiếp tục cạnh tranh khốc liệt với nhau cũng như với các nhà cung cấp từ châu Á, châu Âu và Trung Đông. Để tìm được khách hàng họ phải hạ giá trong năm 2023. Điều này được thể hiện trong chính sách xoay trục của dầu Nga sang châu Á.

Khó lường thị trường năng lượng toàn cầu 2023 - Ảnh 2.

Sự biến động của giá năng lượng dự báo sẽ còn phức tạp khi phương Tây đã nhất trí cấm nhập khẩu và áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga từ ngày 5/12. Ảnh minh họa.

Số liệu mới nhất cho thấy, khoảng 67% lượng dầu thô từ các cảng của Nga hướng đến châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, UAE, Yemen... tức tăng mạnh so với mức 40% trước khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2.

Năm 2023 được xem là một phép thử nghiêm trọng đối với ngành dầu khí Nga, khi các lệnh cấm và hạn chế của EU có hiệu lực đầy đủ. Cứ mỗi 1 USD giảm ở giá trần thì Nga sẽ thiệt hại 2 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách liên bang của Nga vào năm tới được dự đoán ở mức 2% GDP, tương đương 3.000 tỷ Ruble, (hơn 46 tỷ USD).

Dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023

OPEC+ đã quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 và những số liệu tổng kết sản lượng tháng 11 vừa được công bố mới đây cho thấy có 4 nước đã thực sự cắt giảm sản lượng là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait và Iraq.

Nhưng ngược lại, có một số nước lại không cắt giảm mà còn tăng sản lượng. Đáng kể có Nga, sản lượng tháng 11 đạt 9,87 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm nay. Hay Kazakhstan, sản lượng cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay. Nigeria cũng đạt mức sản lượng cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Mặc dù OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11, nhưng sản lượng thực tế bị cắt giảm thì thấp hơn nhiều, ước khoảng 700 nghìn thùng/ngày.

Sau quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, nhiều nước xuất khẩu dầu chủ chốt tại Vùng Vịnh, bao gồm cả Saudi Arabia đã bày tỏ tình thần là họ muốn giữ mức sản lượng như vậy cho tới hết năm 2023.

Khó lường thị trường năng lượng toàn cầu 2023 - Ảnh 3.

Giá dầu trong năm 2023 sẽ tăng so với mức khoảng 80 USD/thùng những ngày cuối tháng 12 này. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, mức sản lượng thực tế hiện nay của OPEC+ vẫn còn cách mức sản lượng mục tiêu của họ khá xa, ngay cả sau khi cắt giảm 2 triệu thùng/ngày.

Cụ thể, khoảng cách hiện nay giữa sản lượng thực tế và sản lượng mục tiêu của OPEC+ vẫn còn khoảng 1,8 triệu thùng/ngày. Vậy nên dư địa để OPEC+ tăng sản lượng thực tế là vẫn còn.

Giới quan sát Vùng Vịnh cho rằng, giá dầu thời gian tới sẽ phụ thuộc chính vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Còn việc phương Tây áp giá trần dầu xuất khẩu của Nga, tác động tới lúc này là không rõ ràng.

3 nước hiện đang nhập khẩu lượng lớn dầu của Nga kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ tuân thủ lệnh áp giá trần.

Về giá dầu, các nước OPEC được cho đang đặt mức giá kỳ vọng của mình ở khoảng 90 - 100 USD/thùng. Một số tổ chức nghiên cứu thị trường như Goldman Sachs thực tế cũng nhận định giá dầu năm 2023 sẽ nằm trong khoảng này.

Có thể thấy là giá dầu trong năm 2023 sẽ tăng so với mức khoảng 80 USD/thùng những ngày cuối tháng 12 này. Song các tổ chức tài chính lớn của quốc tế đều nhận định, kinh tế toàn cầu năm tới sẽ dự báo gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài sáng tháng thứ 11, thị trường năng lượng vẫn còn nhiều biến số khó lường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước