Khoai lang và tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 14/11/2022 13:26 GMT+7

VTV.vn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký nghị định thư cho phép nhập khẩu chính ngạch khoai lang, tổ yến từ Việt Nam vào Trung Quốc.

Như vậy, khoai lang và tổ yến là loại nông sản thứ 12, 13 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau 11 loại quả gồm: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải và sầu riêng.

Riêng quả chanh leo, phía Trung Quốc cũng đã đồng ý cho xuất khẩu thử nghiệm qua cửa khẩu Quảng Tây.

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục để xuất khẩu quả bưởi và dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.

Khoai lang và tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Khoai lang Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Có thể thấy từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đã được khơi thông sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Nhiều nhận thức chưa đúng về mã số vùng trồng

Nông sản Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc là điều đáng mừng, nhưng đó cũng là thách thức đối với chính nông dân cũng như các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu, bởi càng ngày thị trường Trung Quốc càng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng nông sản.

Đối với trái cây của Việt Nam, để xuất khẩu chính ngạch buộc phải có mã vùng trồng. Tuy nhiên việc triển khai cấp mã số vùng trồng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, nông dân tốn công, tốn của. Bởi vậy, ai cũng muốn xoài làm ra được xuất khẩu chính ngạch để bán với giá bán cao. Tuy nhiên cho đến lúc này, không phải vùng xoài nào cũng được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Thậm chí, nhiều nông dân đến lúc này vẫn chưa hiểu hết lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng.

Đến nay, vùng xoài Cam Lâm được cấp 15 mã vùng trồng với diện tích khoảng 3.800 ha, chiếm khoảng một nửa so với diện tích xoài trong vùng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc xung quanh cấp mã vùng trồng.

"Phần lớn người dân không biết mã vùng trồng. Mình muốn làm thì lại không có nhiều đất để canh tác nên không làm được", ông Lê Thanh Hải, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, chia sẻ.

"Các hộ nông dân chưa nắm bắt kịp nên chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân, các hợp tác xã, như mới đây Chi cục xây dựng kế hoạch tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cấp mã số vùng trồng cơ sơ sở đóng gói", ông Lê Quang Vịnh, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, cho biết.

Đến lúc này, cả nước đã có 4.000 mã số vùng trồng với gần 300.000 ha được cấp cho một số loại quả tươi. Vẫn còn nhiều trắc trở khiến nông dân cũng như các doanh nghiệp chưa thể đưa ra thị trường những nông sản gắn với mã số vùng trồng. Đối với xuất khẩu, mã số vùng trồng được xem là "vé thông hành".

Liên kết cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch

Để thiết lập được "vé thông hành", Việt Nam cần liên kết để thay đổi phương thức sản xuất, tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó sẽ gia tăng tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng. Quả sầu riêng đã là một ví dụ cho thấy những thay đổi lớn trong tư duy sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Nhiều khác biệt ở vườn sầu riêng tại Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, bất cứ ai bước chân vào đây, chủ vườn cũng đều ghi chép lại. Việc theo dõi như thế này chỉ là một phần trong nhiều quy định phía thị trường Trung Quốc đưa ra khi nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam nhằm phòng chống COVID-19. Trước đó, quy trình canh tác, tình hình dịch hại cũng được theo dõi và kiểm soát tối đa. Ở vùng sầu riêng Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, vườn sầu riêng đầu tiên của một nông hộ đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Mình kiểm soát theo yêu cầu thị trường Trung Quốc. Sau đó quy trình sản xuất cũng rất cẩn thận. Nhà mình đã đạt VietGAP, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định từ phía thị trường Trung Quốc yêu cầu", bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, chia sẻ.

Tuy nhiên không phải nông dân nào cũng có diện tích hơn 20 ha như gia đình bà Hằng để được cấp mã số vùng trồng. Đây cũng là lý do mà những nông dân ở thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc cùng tham gia vào tổ hợp tác.

Từng khu vườn của mỗi thành viên trong tổ hợp tác đều được kiểm soát chặt chẽ quy trình canh tác. Chất lượng sầu riêng khi thu hoạch được đồng đều. Tháng 8 năm nay, tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc được cấp mã số vùng trồng. Những nông dân trước đây canh tác riêng lẻ, giờ đã gắn kết nhau để đầu ra cho sầu riêng được ổn định hơn nhờ xuất khẩu.

Với diện tích hơn 2.000 ha, mỗi năm, vùng sầu riêng Khánh Sơn đưa ra thị trường hơn 12.000 tấn. Hiện tại, sầu riêng được cấp mã số vùng trồng ở Khánh Sơn chỉ mới chiếm 5% diện tích. Bởi vậy, một lộ trình được chính quyền địa phương đưa ra là sẽ liên kết nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để tăng diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Đó cũng là cách để tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 45 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đạt hơn 8 tỷ USD, chiếm hơn 18% thị phần. Điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nông lâm thủy sản Việt Nam. Rau quả, thủy sản, lúa gạo tiếp tục là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế không chỉ nhờ cự ly gần, mà còn nhờ thuế suất thấp theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Xuất khẩu lô mắc ca chính ngạch đầu tiên sang Nhật Bản Xuất khẩu lô mắc ca chính ngạch đầu tiên sang Nhật Bản

VTV.vn - Ngầy 9/11, Đắk Lắk đã tổ chức lễ xuất khẩu container mắc ca Krông Năng chính ngạch đầu tiên sang Nhật Bản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước