Khoản đầu tư 70 tỷ USD của Tencent - "Nước cờ" giúp Trung Quốc giành lợi thế trên thị trường fintech

Huệ Anh-Thứ sáu, ngày 29/05/2020 06:25 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc - quốc gia nắm trong tay “con át chủ bài” Tencent - đang dần trở thành “người tạo ra luật” trên thị trường công nghệ toàn cầu.

Nỗ lực tái cấu trúc tài chính của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến thế giới đặt ra câu hỏi: Liệu Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đang tạo ra và trở thành "nhân vật chính" trong trật tự kinh tế thế giới mới hay không?

Làn sóng COVID-19 khiến các thể chế tài chính trên toàn cầu nhìn nhận công nghệ như một "chiếc phao cứu sinh". Và Trung Quốc - quốc gia nắm trong tay những "con át chủ bài" Ant Financial và Tencent - đang dần trở thành "người tạo ra luật" bởi quốc gia đang "ham muốn" vị trí đứng đầu thế giới này được đánh giá là thị trường lớn nhất về thanh toán điện tử.

Khoản đầu tư 70 tỷ USD của Tencent - Nước cờ giúp Trung Quốc giành lợi thế trên thị trường fintech - Ảnh 1.

Trung Quốc tham vọng trở thành "nhân vật chính" trong trật tự kinh tế thế giới (Nguồn: Reuters)

Tham vọng của Trung Quốc được cụ thể hóa bằng những dòng vốn đầu tư khổng lồ vào các gã khổng lồ công nghệ. Sự bùng nổ về nhu cầu phần mềm doanh nghiệp khiến Alibaba và Tencent mạnh tay "rót" hàng chục tỷ USD vào những sản phẩm, dịch vụ nòng cốt. 

Sau dòng đầu tư trị giá 28 tỷ USD vào dịch vụ đám mây của Alibaba, Tencent thậm chí "mạnh tay" hơn khi chi đến 70 tỷ USD cho lĩnh vực AI, blockchain và điện toán lượng tử. Cuộc cạnh tranh không hồi kết của hai gã khổng lồ này càng khiến Trung Quốc tăng tốc hơn trên đường đua fintech

Khoản đầu tư 500 tỷ Nhân dân tệ vào cơ sở vật chất mới này của Tencent là bước đi dài hạn trong vòng 5 năm, được đưa ra sau khi Bắc Kinh lên tiếng khẳng định sự cấp bách trong việc nâng tầm vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thông qua đầu tư vào các trạm 5G, đường sắt tốc độ cao; đồng thời phát triển internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp "lên mây" và "số hóa".

Khoản đầu tư 70 tỷ USD của Tencent - Nước cờ giúp Trung Quốc giành lợi thế trên thị trường fintech - Ảnh 2.

Tencent đầu tư 70 tỷ USD vào điện toán đám mây (Nguồn: Reuters)

Kế hoạch này của Tencent cũng được cho là động thái đáp trả đối với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, sau khi "đối thủ" này thông báo về dòng vốn đầu tư trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ.

Được coi là "kỳ phùng địch thủ" của Tencent, Alibaba mới đây đã cho ra đời hệ thống theo dõi sức khỏe kỹ thuật số nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm của COVID-19. Có thể thấy rằng, gã khổng lồ này đang thích nghi và "lấn sân" rất nhanh sang cả những lĩnh vực đặc thù như y tế, để tìm kiếm lợi nhuận giữa một cuộc đại suy thoái chưa từng có tiền lệ. Năm ngoái, Alibaba cũng "vượt mặt" Tencent và thống trị thị trường điện toán đám mây Trung Quốc.

Khoản đầu tư 70 tỷ USD của Tencent - Nước cờ giúp Trung Quốc giành lợi thế trên thị trường fintech - Ảnh 3.

Gã khổng lồ công nghệ trung quốc Alibaba (Nguồn: Reuters)

Sự so kè của những tập đoàn công nghệ trong nước chính là những "đòn bẩy tài chính" của Trung Quốc làm giảm bớt vị thế của Hoa Kỳ trong trong hệ điều hành của nền tài chính thế giới. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở thành cuộc đối đầu của "kẻ tám lạng", "người nửa cân" với lợi thế dường như nghiêng về cường quốc châu Á khi quốc gia này "hút" gần 50% thị phần thanh toán kỹ thuật số toàn cầu.

Việc trở thành thị trường lớn nhất về thanh toán điện tử là một bước đi quan trọng giúp cường quốc đông dân nhất thế giới hiện thực hoá tham vọng dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Tencent, Alibaba, OneConnect, hay rất nhiều những "trái ngọt" fintech khác đang giúp "cán cân" nghiêng về phía Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước