Trung Quốc tiến tới siết chặt hành lang pháp lý Fintech

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 01/02/2020 11:00 GMT+7

VTV.vn - Với mạng lưới người dùng thương mại điện tử khổng lồ, các ứng dụng thanh toán Fintech tại Trung Quốc dần trở nên phổ biến hơn cả ngân hàng.

Fintech thay đổi thói quen người dùng

Những tòa nhà ngân hàng và tổ chức tài chính sừng sững tại bến Thượng Hải vốn đã và đang là chỗ dựa vững chắc cho ngành tài chính nơi đây. Thế nhưng, sự chú ý giờ không chỉ tập trung vào những tòa nhà này mà còn cả những ứng dụng dịch vụ tài chính chỉ vừa nhỏ xinh trong lòng bàn tay như Wechatpay hay Alipay thu hút tới hàng nghìn tỷ USD giá trị giao dịch mỗi năm.

Như chị Lưu Định Bang, chuyên viên ngành truyền thông, vài năm nay đã quen sử dụng ví điện tử Yuebao của Alipay. Mỗi tháng, cứ gần 90% tiền lương rót vào tài khoản ngân hàng lại được chị chuyển sang ví Y'uebao.

Chị Lưu Định Bang cho biết: "Lãi suất để tiền trong ví này linh hoạt và cao hơn ngân hàng, như hiện giờ cao hơn gấp rưỡi. Có thể lựa chọn các gói lãi suất và kỳ hạn khác nhau. Từ ví điện tử này có thể đầu tư vào chứng khoán hay quỹ bảo hiểm rất tiện".

Trung Quốc tiến tới siết chặt hành lang pháp lý Fintech - Ảnh 1.

Với hơn 600 triệu người dùng chiếm gần nửa dân số Trung Quốc, trong năm ngoái, Yuebao có thời điểm đã hút được lượng tiền gửi tới hơn 250 tỷ USD, giúp chiếc ví điện tử này trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới chỉ sau 4 năm ra mắt.

Không cần tiền mặt, cũng chẳng cần ví và thẻ chỉ cần 1 thao tác duy nhất trên điện thoại hay quét mã QR trên chiếc đồng hồ thông minh là có thể ra chợ mua rau, thậm chí công đức... Còn doanh nghiệp nhỏ muốn vay tiền thì đã có ngân hàng số Mybank thuộc Alipay, đột phá với quy trình 3-1-0 tức là thẩm định hồ sơ trong 3 phút, trả lời có cho vay hay không trong 1s và hoàn toàn không cần 1 nhân viên ngân hàng nào.

Alipay cũng chính là cái tên dẫn đầu thị trường, cùng với Wechatpay, chiếm tới hơn 93% thị phần thanh toán di động tại Trung Quốc. Chưa kể sự hiện diện tại hơn 70 quốc gia khác trên thế giới. Theo dự báo của Accenture, tới năm 2025, nếu các ngân hàng truyền thống tại Trung Quốc không chịu cải thiện công nghệ, họ có thể mất tới 13% doanh thu rơi vào tay các ứng dụng fintech thanh toán như Alipay hay Wechatpay.

Fintech thanh toán thách thức ngân hàng truyền thống

10 năm trước, cựu Chủ tịch Alibaba ông Jack Ma đã từng nói rằng, nếu các ngân hàng không chịu thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi ngân hàng. Có thể nói, tới thời điểm này, Ant Financial services đã và vẫn đang làm được điều đó. Ant Financial là một hệ sinh thái các công ty công nghệ tài chính Fintech, trong đó có Alipay đã có đủ chức năng chính của ngân hàng là thanh toán, huy động tiền gửi và cho vay. Tính riêng khoảng 3 năm qua, lượng người dùng Alipay toàn cầu đã tăng trưởng 260%, đạt 1,2 tỷ người dùng

Sự bùng nổ của Fintech đã "húc đổ" hơn 700.000 máy rút tiền của ngân hàng truyền thống khắp Trung Quốc. Dịch vụ miễn phí của Fintech cũng buộc các ngân hàng truyền thống phải cắt bỏ hoàn toàn các loại phí chuyển khoản, phí thường niên.

Thời điểm đầu, khi Fintech thanh toán Trung Quốc bùng nổ đã tiềm ẩn sự cạnh tranh mang tính đối đầu giữa Fintech và ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, chính ngân hàng cũng không bao giờ ngồi yên. Nếu nhìn vào mặt tích cực, sự xuất hiện và bùng nổ của Fintech thanh toán là cú hích cần thiết để ngân hàng tự làm mới mình, thậm chí là bắt tay với chính các Fintech.

Ngân hàng truyền thống tìm cách "sống chung" với các Fintech

Fintech trở thành "kẻ phá đám" khó chịu của các ngân hàng nhưng ngân hàng vẫn phải đành "ngậm đắng nuốt cay" bắt tay với Fintech để tiếp cận được các công nghệ tài chính tiên tiến. Trước áp lực từ những "kẻ phá đám" fintech, những ngân hàng truyền thống vốn ở vị trí thống trị đang buộc phải tiến hóa, nếu không muốn chỉ còn là cái bóng lay lắt của quá khứ hoàng kim.

Các ngân hàng truyền thống tại Trung Quốc, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ, đang ngày càng cảm thấy sức nóng từ Fintech. Tuy nhiên, với bất kỳ công nghệ nền tảng đột phá nào, sự thành hay bại đôi khi lại không hẳn phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, mà còn là hành lang pháp lý có ủng hộ những công nghệ đó hay không.

Trung Quốc tiến tới siết chặt hành lang pháp lý Fintech - Ảnh 2.

Sự bùng nổ của Fintech tại Trung Quốc được nhiều chuyên gia đánh giá là nhờ sự đón nhận cởi mở của nước này về mặt pháp lý trong thời gian dài, khuyến khích sự phát triển của những ứng dụng công nghệ nền tảng, bao gồm cả Fintech.

Tuy nhiên, tới khi sự tăng trưởng bứt phá của Fintech vượt ra ngoài sự kiểm soát, điển hình là sự đổ vỡ hàng loạt của các ứng dụng cho vay ngang hàng p2p và các hệ lụy kéo theo đó, đòi hỏi cần có các khung pháp lý chặt chẽ hơn trước. Đối với các Fintech thanh toán, các đối thủ có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng cũng khó có thể hoạt động thả nổi như trước.

Siết chặt hành lang pháp lý Fintech

Trung Quốc đang soạn thảo 17 tiêu chuẩn pháp lý dành riêng cho các hạng mục Fintech như trí tuệ nhân tạo, blockchain hay dịch vụ đám mây, nhấn mạnh vào việc siết chặt an ninh dữ liệu người dùng vốn vẫn gần như thả nổi.

Yêu cầu các tổ chức thanh toán phi ngân hàng như Alipay và Wechatpay phải đặt tiền ký quỹ vào tài khoản ngân hàng từ đầu năm ngoái 2019 cũng siết chặt đáng kể các Fintech này. Như Ant Financial, với quy định này, dự báo các dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ giảm 1/3 lợi nhuận trong năm tới.

Trong 1 diễn biến khác, Trung Quốc đang hoàn thiện dự thảo quy định cho phép các công ty nước ngoài thành lập ngân hàng số tại Trung Quốc. Đây vốn là sân chơi độc quyền của Alipay và Wechatpay. Thế nhưng, rất có thể những quy định mới sẽ là cơ hội để nâng cao tính cạnh tranh giữa Fintech với Fintech hơn nữa.

Hoàn thiện chính sách định danh điện tử - bước đi tiên quyết của fintech Hoàn thiện chính sách định danh điện tử - bước đi tiên quyết của fintech

VTV.vn - Tiện lợi và bảo mật - Với nhiều lợi ích như vậy, một vấn đề đặt ra là cơ sở dữ liệu để định danh điện tử nên được xử lý tập trung hay phân mảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước