Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
Sau hàng loạt các quyết sách quan trọng như Nghị quyết số 13, Nghị quyết số 120, Chính phủ mới đây đã ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Tất cả đã cho thấy những nỗ lực để khơi thông điểm nghẽn, giúp vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Trong những vấn đề lớn của vùng hiện nay, bài toán khó nhất là tạo sự kết nối giữa các địa phương cả về hạ tầng giao thông lẫn tính liên kết để cùng nhau phát triển đã có lời giải hữu hiệu.
Gần 80% hàng hóa xuất khẩu ở miền Tây không thể đi trực tiếp mà phụ thuộc vào hệ thống cảng miền Đông Nam Bộ. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến chi phí logistics của vùng ở mức cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm.
Phát triển mạnh hệ thống giao thông kết nối là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong các cơ chế chính sách để phát triển trong thời gian tới. Quy hoạch vùng ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, phát triển hạ tầng đường thủy nội địa. Đặc biệt là mở thêm các hướng phát triển mới, bền vững và nhiều tiềm năng.
Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL xác định sẽ xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng. Từ đây, tính liên kết vùng sẽ được thể hiện chặt chẽ, theo chiều sâu.
Từ những chính sách được ban hành và đang được thực thi, tương lai của vùng ĐBSCL đang được định hình với những bước phát triển mới. Đó chắc chắn sẽ là con đường phát triển có tầm nhìn dài hạn, có tính liên kết bền vững giữa các địa phương. Khi những điểm nghẽn được khơi thông, vùng đất này cũng hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!