Tại văn bản số 13856/VPCP-CN gửi Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ và địa phương liên quan có biện pháp giải quyết tối ưu, chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng như trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Cảnh tài xế tụ tập phản đối trước trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) ngày 02/11.
Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo hình thức Hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Việc thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đã tạo được diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ và hàng không.
Các công trình giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tăng năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Sự kiện BOT Cai Lậy thu phí trở lại thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành một số dự án BOT thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu vẫn là chỉ định thầu, năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế; công tác huy động vốn còn nhiều tồn tại; thời gian thi công một số công trình còn kéo dài, chất lượng một số công trình chưa đạt yêu cầu; công tác khai thác, vận hành công trình chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, hợp đồng BOT nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BOT còn nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao; quy hoạch trạm thu phí chưa khoa học...
Để kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh, được dư luận quan tâm, thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng BOT.
- Từ ngày 1/8/2017, dự án BOT Cai Lậy chính thức triển khai việc thu phí với giá vé từ 35.000 - 180.000 đồng, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng khiến các tài xế phản đối vì cho rằng mức giá quá cao.
- Ngày 6/8, các tài xế bắt đầu dùng tiền lẻ mua vé khiến giao thông qua trạm ùn tắc buộc chủ đầu tư phải xả trạm nhiều lần. Ngày 11/8, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giảm phí. Ngày 15/8, trước sự phản ứng quyết liệt của các tài xế, BOT Cai Lậy dừng thu phí.
- Ngày 16/8, Bộ Giao thông vận tải đồng ý giảm mức phí 30% cho các phương tiện qua trạm, thấp nhất là 25.000 đồng, cao nhất 160.000 đồng và miễn phí cho các xã ở gần trạm thu phí.
- Đến 9h ngày 30/11, BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Bắt đầu từ lúc thu phí trở lại đến chiều 4/12, cánh tài xế liên tục dùng nhiều "chiêu" để đối phó với trạm thu phí khiến BOT Cai Lậy phải hơn 20 lần xả trạm.
- Tối 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy từ 1 - 2 tháng để làm rõ mọi vấn đề và đề xuất phương án giải quyết.
- Được biết trong thời gian ngừng thu phí, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng 3 phương án xử lý đối với trạm BOT Cai Lậy, bao gồm: phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm thu phí; di dời trạm thu phí về tuyến tránh thị xã Cai Lậy; phương án 2, đặt 2 trạm thu phí, trong đó 1 trạm nằm trên Quốc lộ 1, 1 trạm trên tuyến tránh.
Tuy nhiên phương án cuối cùng vẫn chưa được các bên thống nhất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!